Theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2016 đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 1% so với năm trước. Các thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam vẫn là ba nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu gỗ sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Anh, Úc...
Kỳ vọng thị trường được mở rộng
Việc hàng loạt các FTA đã và đang sắp có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành gỗ trong thời gian tới.
Cụ thể, FTA giữa Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu là cơ hội rất lớn để ngành gỗ mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện tại, xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, xuất khẩu sang thị trường Nga mới chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với mức tiêu thụ hơn 1 tỷ USD hàng năm của thị trường này. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu và tận dụng những lợi thế có được từ Hiệp định, như thuế suất giảm về 0%.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU hiện cũng đã kết thúc đàm phán.
Mục tiêu của Hiệp định VPA/FLEGT là mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU. Đây là giấy thông hành để các lô hàng gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất gỗ hợp pháp như trước nữa.
Trước đó, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2016 sẽ đạt 7,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường EU đạt hơn 700 triệu USD. Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết, doanh nghiệp sản xuất và người trồng rừng phải cần ít nhất 3 năm để làm quen với những cam kết và quy định từ hiệp định.
Theo báo cáo của Vietfores, thời gian gần đây xuất hiện tín hiệu cho thấy sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc tại Việt Nam; đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến ở vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, Vietfores cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin về số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và quy mô đầu tư.
Trước thông tin này, có luồng ý kiến cho rằng Trung Quốc tăng đầu tư là để đón các lợi thế mà Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam sẽ được hưởng trong tương lai. Một luồng ý kiến khác lại băn khoăn cho rằng, liệu sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào chế biến gỗ tại Việt Nam trong thời gian vừa qua có hay không liên quan đến vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc đóng cửa rừng tự nhiên tại Trung Quốc cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo Vietfores cũng cho hay, hiện Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu lớn ở Châu Á. Không những vậy, Việt Nam còn là quốc gia có nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sẵn có, đặc biệt là nguồn cung gỗ từ rừng trồng và nguồn gỗ cao su với lượng khai thác ngày càng gia tăng. So với Trung Quốc hoặc với các nước trong khối Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, giá nhân công hiện nay tại Việt Nam tương đối thấp. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, đặc biệt với các cảng nước sâu, là điều kiện quan trọng cho việc thông thương với các quốc gia khác.
Với các lợi thế như vậy, Vietfores cho rằng Việt Nam có thể trở thành địa điểm quan trọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc.
Bốn thách thức cho nguyên liệu gỗ
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, ngành gỗ mỗi năm cần trung bình 29 - 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và xuất khẩu. Không những vậy nguyên liệu gỗ còn phải đảm bảo và tuần thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp từ các nước nhập khẩu.
Theo ông, những thay đổi về chính sách xuất khẩu nguyên liệu gỗ của hai nước láng giềng như Lào và Campuchia, hay chính sách về đóng cửa rừng tự nhiên của Trung Quốc dẫn tới tới tình trạng cạnh tranh về thu mua nguyên liệu tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Như vậy, những thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2017 chính là liên quan đến nguyên liệu gỗ chế biến và xuất khẩu.
Cụ thể, thách thức về thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng sẽ diễn ra gay gắt khi số lượng nhà máy sản xuất và chế biến ngày càng tăng với lượng gỗ nguyên liệu cần là rất lớn trong khi nguồn nguyên liệu gỗ rừng không đủ cung cấp. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới việc cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến.
Chất lượng gỗ nguyên liệu rừng trồng của Việt Nam cũng hạn chế khi đường kính nhỏ; năng suất gỗ trên 1h chưa cao nên có tác động rất lớn đến chất lượng sản phẩm, giá thành sản phầm cũng như sức cạnh tranh.
Đáng chú ý, thách thức về các giấy chứng nhận tiêu chuẩn rừng, nguồn gốc gỗ là một thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là, trong những năm tới, các nước nhập khẩu gỗ sẽ yêu cầu phải có 100% gỗ có chứng chỉ tiêu chuẩn rừng và gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 200 nghìn ha gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC, chỉ chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước.
Vietfores dự báo, để kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm 4 - 5 triệu m3/năm. Như vậy, đây là một thách thức không nhỏ trên con đường thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và tiêu dùng trong nước.
Ông Quyền cho rằng: "Trong tương lai, đầu tư của các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhanh chóng. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp Trung Quốc để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ cho sản xuất".
Nguồn: Hồng Vũ/ VNB - PL.XH