Hầu hết các doanh nghiệp đều đã có những tính toán nhất định để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng mới để đón lõng các FTA
Kết quả khảo sát 1.500 DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy con số này, với 88% doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để tận dụng cơ hội từ các FTA như TPP, EVFTA trong 3 năm tới.
“Hầu hết các doanh nghiệp đều đã có những tính toán nhất định để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng mới, cho thấy một thực tế là doanh nghiệp đã sẵn sàng hơn cho TPP và EVFTA so với thời gian trước, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI cho biết.
Sự chủ động hơn của các DN cũng cho thấy, DN ý thức rõ ràng hơn về cơ hội của mình nếu tự thân chuyển đổi sản xuất, thay đổi cơ cấu măt hàng, tìm hiểu và nắm chắc thông tin mới về các thị trường xuất khẩu khi TPP hay EVFTA có hiệu lực.
Theo đó, các vấn đề được DN chuẩn bị nhiều nhất cho các FTA, cụ thể là TPP và EVFTA bao gồm: Chất lượng sản phảm, Tận dụng công nghệ và Tiếp cận các thị trường mới.
Ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc - Ngành lương thực, Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, TPP hay EVFTA TPP đặt ra những yêu cầu riêng cho từng thị trường rất phức tạp, nhiều quy định đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng mới có thể được hưởng ưu đãi. Do vậy, Tập đoàn luôn chủ động tìm kiếm thông tin và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo xu hướng chuẩn hóa quốc tế để sản phẩm không chỉ hội tụ đủ điều kiện xuất khẩu mà còn tận dụng được các ưu đãi từ FTA.
Năm 2015, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu thành công 130.000 tấn gạo, với kim ngạch xuất khẩu 70 triệu USD, và mục tiêu năm 2016 là cán mốc 180.000-200.000 tấn gạo xuất khẩu, nhưng theo ông Thọ, điểm khác trong cơ cấu xuất khẩu 2016 là tỷ lệ gạo gạo thơm, cao cấp sẽ nhiều hơn.
Trước đây, Lộc Trời xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản, Hồng Kông,.., nhưng giờ thì Mỹ cũng là thị trường trọng điểm, và sở dĩ, gạo của Lộc Trời đến được các thị trường khó tính nhất là bởi có cách làm khác. Sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, từ khâu hạt giống, cho đến trồng, thu hoạch, xử lý, đóng gói và đưa đến khách hàng.
Ông Thọ cho biết, không quá quan ngại về những rào cản khi TPP có hiệu lực, bởi sau một quá trình xuất khẩu, thị trường khó nhất là Mỹ hay Nhật Bản…thì sản phẩm của Lộc Trời đã tới được đây. "Thử tưởng tượng, Nhật Bản đã kiểm tra 603 chỉ tiêu liên quan đến dư lượng bảo vệ thực vật và các chỉ tiêu sinh, hóa khác và chúng tôi đã đáp ứng được”.
Tại Hội thảo “Hỗ trợ DN xuất nhập khẩu trong hội nhập TPP” diễn ra mới đây do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Jeff McLean, Tổng giám đốc Tập đoàn UPS Việt Nam, thành viên HĐQT Phòng Thương mại Mỹ tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu và tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu với nhiều quy định và tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt với Việt Nam. Trong đó, ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm, giá bán cạnh tranh, thì việc đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt cũng là cách tạo nên khách hàng trung thành và và là một trong những điểm khác biệt vượt trội của các công ty xuất khẩu.
Ông Jeff McLean cũng lưu ý các DN Việt Nam tập trung khai thác các ngõ ngách thị trường thế giới, bởi TPP mở ra những thị trường mới cho những DN ở mọi quy mô, trong đó, riêng mảng doanh thu bán hàng trực tuyến khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến tăng 35% mỗi năm, còn khu vực TPP đại diện cho 600 triệu người dùng Intenet sẽ là mảnh đất “màu mỡ” cho các DN khai thác.
Cũng tại một Hội thảo về TPP và EVFTA do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức giữa tuần qua, thông qua tập hợp thông tin từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng cho biết, các doanh nghiệp trong nước lạc quan về các tác động của FTA, nhưng lạc quan một cách tỉnh táo, nhưng ở góc độ còn lại, không ít DN vẫn chưa đủ sẵn sàng do các cam kết trong các FTA cơ bản là quá phức tạp, lại không dễ đọc, dễ hiểu. Đơn cử, TPP với 30 Chương, 1.200 trang văn bản, ngôn ngữ hàn lâm, rất nhiều thỏa hiệp.
Thêm vào đó, dù hướng dẫn từ phía cơ quan Nhà nước tuy đã có nhưng quá ít ỏi. Cơ quan Nhà nước mới chỉ có tóm tắt ngắn về EVFTA, tóm tắt mang tính chính sách một vài Chương của TPP. Còn từ phía VCCI, các Hiệp hội ngành hàng, dù đã rất cố gắng nhưng mới có cuốn tóm lược về TPP, chưa có các hướng dẫn TPP trong các lĩnh vực cụ thể.
Bởi vậy, từ nay đến thời điểm TPP, EVFTA dự kiến có hiệu lực, điều DN mong muốn các Bộ ngành cung cấp thông tin nhiều hơn, cụ thể hơn, kịp thời khuyến cáo các DN trong giao thương hàng hóa quốc tế với từng thị trường. Ban hành các chính sách phù hợp, Nhà nước có thể hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ…Mục tiêu cuối cùng là để DN mở rộng và cân đối được thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng được cơ hội giảm thuế từ các FTA.
Nguồn: Báo Đầu tư