Phát biểu khai mạc, bà Sarit Fishbane, Trưởng ban Quan hệ quốc tế FICC cho biết, trong bối cảnh bị đứt gãy nguồn cung do tác động ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cục như cuộc chiến tranh giữa Israel-Hamas, bất ổn trên Biển Đỏ và xung đột thương mại giữa Israel-Thổ Nhĩ Kỳ, hiện tại Israel đang tăng cường tìm kiếm các nguồn cung ứng hàng hóa để thay thế cho nguồn bị đứt gãy; theo đó, các doanh nghiệp Israel chú trọng tới tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa từ châu Á nói chung, tập trung khai thác nguồn hàng từ thị trường Việt Nam nói riêng, để đáp ứng và phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Tại sự kiện nói trên, Tham tán Thương mại Lê Thái Hòa đã giới thiệu tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế, hoạt động ngoại thương và thế mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian gần đây, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu và triển vọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel. Bên cạnh việc chỉ ra các cơ hội hợp tác giao thương, đại diện Thương vụ cũng giới thiệu, cung cấp các thông tin về Hiệp định Thương mại Tự do song phương Việt Nam – Israel đã được ký kết trong năm 2023 và mới được hai bên phê duyệt trong quý 1/2024 để có thể đưa vào triển khai thực thi vào cuối năm nay nhằm mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi thương mại của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tham dự hội thảo có trên 30 các doanh nghiệp Israel hoạt động kinh doanh nhập khẩu trong 4 nhóm ngành hàng gồm: lương thực-thực phẩm, máy móc thiết bị điện gia dụng, vật liệu xây dựng, tạp phẩm và đồ dùng cá nhân. Đây là các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối lớn có kho chứa hàng để cung cấp cho các hệ thống siêu thị; các nhà phân phối trực tiếp có các chuỗi cửa hàng, showroom và siêu thị bán lẻ tại các thành phố lớn ở Israel. Đại diện Thương vụ đã lần lượt có các cuộc trao đổi trực tiếp với từng nhà nhập khẩu đầu mối và từng nhà phân phối bán lẻ của Israel về các yêu cầu cụ thể, cũng như giới thiệu và hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp này với các đối tác Việt Nam.
Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm tới tìm kiếm các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa ở Việt Nam đối với các mặt hàng cụ thể hiện đang có nhu cầu nhập khẩu lớn như: gạo và các sản phẩm chế biến thành đồ khô (gạo thơm, mỳ, bánh đa nem....), nước giải khát (nước dừa, nước quả....), nước chấm các loại (nước mắm, magi, xì dầu, nước sốt...), thủy hải sản các loại và cá ngừ đóng hộp, bánh kẹo các loại, trái cây sấy khô và đóng hộp (vải, xoài, dứa, thanh long...), tủ lạnh, tủ cấp đông, máy giặt, máy lau nhà, thiết bị gia dụng nhà bếp, gạch ốp lát (ceramic titles), đá ốp lát (granit, marble), ván lát sàn (gỗ công nghiệp, gỗ tự nhiên), gỗ dán, thiết bị vệ sinh các loại (vòi nước, bồn tắm, chậu rửa, bồn cầu...), sắt thép xây dựng, cáp đồng, máy móc xây dựng (máy trộn bê tông, máy uốn sắt...), mũ bảo hiểm, găng tay bảo hộ, keo dán hóa chất dùng trong xây dựng, găng tay vệ sinh, hóa chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm... Các doanh nghiệp nhập khẩu Israel cũng lưu ý cho biết, sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất và nhà cung cấp cần đáp ứng yêu cầu về chứng nhận Kosher để phù hợp với tập quán tiêu dùng tôn giáo của người Do Thái, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của EU và Hoa Kỳ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; bên cạnh đó, đối với các sản phẩm lương thực thực phẩm, yêu cầu cần được chế biến thành phẩm và đóng gói trong các bao bì thuận tiện phù hợp (ví dụ như gạo đóng gói theo từng bao loại 2 hoặc 5 hoặc 20 kg) để nhập khẩu đưa vào chuỗi các cửa hàng bán lẻ và siêu thị phục vụ cho người tiêu dùng tại Israel có thể mua về sử dụng được ngay (kể cả phải dùng cho việc chế biến nấu nướng). Ngay tại Tọa đàm, Thương vụ đã kết nối trực tiếp, giới thiệu một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủy sản, nhà máy sản xuất nước giải khát các loại, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam cho các đối tác Israel thực hiện giao dịch cụ thể.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Israel tăng 26,3%, trong khi nhập khẩu từ thị trường này chỉ tăng 2,2%, so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong 5 tháng đầu năm 2024, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 380 triệu USD và nhập khẩu đạt khoảng 720 triệu USD. Hội thảo xúc tiến thương mại và Tọa đàm kết nối các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối của Israel với các đối tác Việt Nam nói trên nhằm góp phần vào việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Israel. FICC mong muốn tận dụng cơ hội này để tăng cường mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Israel với các đối tác Việt Nam, nhằm thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trong thời gian tới. Nhân dịp này, FICC cũng mời các đại diện của Đại sứ quán Thái Lan và Đại sứ quán Philipines tại Israel cùng tham dự sự kiện nói trên.
Một số hình ảnh Thương vụ Việt Nam tại Israel trực tiếp trao đổi, kết nối cho các doanh nghiệp đầu mối của Israel với các đối tác Việt Nam, doanh nghiệp/độc giả xem tại file đính kèm.

 

Thương vụ và DN NK đầu mối1 Israel.jpg

Thương vụ và DN NK đầu mối2 Israel.jpg

Thương vụ và DN NK đầu mối3 Israel.jpg

Thương vụ và DN NK đầu mối4 Israel.jpg

Thương vụ và DN NK đầu mối5 Israel.jpg

Thương vụ và DN NK đầu mối6 Israel.jpg

Thương vụ và Lãnh đạo FICC.jpg

 

 
 
 

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Israel