Theo dự thảo, đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn như hiện hành là giá bán của cơ sở sản xuất, bao gồm giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành...), cộng lãi của người nộp thuế. Đối với các dòng xe ô tô nhập khẩu, giá căn cứ để tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ dựa trên giá CIF (giá xe nhập về đến cảng) mà còn tính trên giá bán lẻ tới người tiêu dùng, nhằm thu thêm thuế ở khâu tiêu thụ nội địa.
Đề xuất gây thất vọng
Ngay sau đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) đã phản ứng. Theo VAMA, thay vì tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách chuyển từ giá bán buôn xuống giá xuất xưởng như đề nghị, đằng này Bộ Tài chính đã đưa ra cách tính khác như nêu trên.
Bộ Tài chính giải thích lý do thay đổi cách tính thuế là nhằm đem lại công bằng giữa các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước và DN nhập khẩu. Thế nhưng, cách tính này đã bị không chỉ hầu hết DN nhập khẩu phản ứng mà ngay cả các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng không hài lòng.
Theo các DN nhập khẩu, với ô tô nhập khẩu thì giá CIF về VN đã bao gồm chi phí marketing, bán hàng... được công ty mẹ hỗ trợ. Thực ra, trước đó, các DN ô tô trong nước đã kiến nghị Bộ Tài chính vì cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đang có sự không công bằng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, VAMA chỉ đề nghị thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ giá bán buôn sang giá xuất xưởng. Theo VAMA, giá bán buôn đối với ô tô trong nước bao gồm chi phí tiếp thị, bán hàng, nhưng giá tính thuế đối với ô tô nhập khẩu chỉ là giá CIF, chưa bao gồm chi phí tiếp thị, bán hàng, lãi nhà nhập khẩu.
Nguy cơ giá ô tô tăng, người dân chịu thiệt
Đại diện nhiều DN nhập khẩu và DN sản xuất, lắp ráp ô tô có trụ sở tại TP.HCM, cho rằng cách tính thuế mới chắc chắn sẽ đẩy giá ô tô tăng, có thể gây tác động không tốt cho thị trường trong nước, mức tăng giá ô tô có thể 20 - 30%. “Khi thuế tăng buộc các DN như chúng tôi phải tăng giá bán xe, việc này là hẳn nhiên và không khó. Tuy nhiên, người chịu thiệt cuối cùng không ai khác chính là người tiêu dùng”, đại diện một DN phân phối xe nhập khẩu tại thị trường TP.HCM nói.
Trao đổi với Thanh Niên, kỹ sư - chuyên gia công nghệ ô tô Nguyễn Minh Đồng, thẳng thắn: “Tăng mức thuế, phí, thực ra không giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước mà chỉ là lấy tiền từ túi người này bỏ vào túi người kia”. Theo ông Đồng, muốn có nhiều nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới vào VN đầu tư công nghệ, mở nhà máy sản xuất ô tô, phụ tùng... thì trước hết VN phải có thị trường công nghiệp ô tô đúng nghĩa. Muốn có một thị trường ô tô thì mỗi năm người dân VN tiêu thụ tối thiểu 200.000 xe. Còn nếu dưới mức này thì các nhà đầu tư sẽ rất e ngại bỏ tiền đầu tư sản xuất linh kiện ô tô đạt chuẩn để buôn bán và xuất khẩu.
“Khổ nhất hiện nay là người dân vì phải trả giá mua một chiếc ô tô cực kỳ cao. Ở các nước họ nhìn xe hơi là một sản phẩm tiêu thụ và tạo công ăn việc làm còn ở VN nhà chức trách dường như chủ yếu tập trung đánh thuế để thu được nhiều thuế, kìm hãm sản xuất nên không thể phát triển được”, ông Đồng nói. Theo ông, nếu chọn lựa vẫn tiếp tục sản xuất với tiêu chuẩn thấp thì mặt hàng ô tô và linh kiện không thể nào xuất khẩu cho thị trường có tiêu chuẩn cao. Ngay cả một bộ phận linh kiện nhỏ như bố thắng, hiện VN cũng không sản xuất được sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu. Chính phủ nên có nhiều chính sách khuyến khích như miễn thuế cho những DN sản xuất được những linh kiện ô tô đạt tiêu chuẩn thế giới để xuất khẩu thu ngoại tệ, có thế mới làm giàu cho đất nước.
Theo các chuyên gia ô tô, nền kinh tế VN hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nên việc sử dụng công cụ bảo hộ bằng thuế, phí là không phù hợp xu thế. Khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN xuống mức 0% thì ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không cạnh tranh được với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.
Mercedes, BMW, Audi nói gì?
BMW cho biết đã cùng với các nhà nhập khẩu (VIVA) họp bàn và thống nhất đề nghị phương án giữ nguyên cách tính thuế hiện tại. VIVA cho rằng việc giữ nguyên cách tính thuế sẽ giúp ổn định thị trường, doanh số tăng giúp tăng lượng thuế DN nộp vào ngân sách. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư ổn định, lâu dài tránh được những hình ảnh xấu về hoạt động xuất nhập khẩu tại VN.
Audi lo ngại về vấn đề nhà nước có thể tăng các loại thuế không nằm trong quy định của Hiệp định thương mại tự do tại khu vực ASEAN nhằm bù đắp cho lượng thu thiếu hụt từ nguồn thuế nhập khẩu giảm. Hãng xe Đức này cho rằng cần phải đảm bảo tính công bằng, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp CKD và CBU tại VN và tuân thủ theo WTO nếu đề xuất trên có hiệu lực.
Là hãng xe duy nhất trong 3 thương hiệu xe sang Đức có nhà máy sản xuất lắp ráp tại VN, Mercedes cho rằng cách tính thuế mới nếu được áp dụng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty nhưng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành nếu nó được thông qua.
Với câu hỏi về chiến lược kinh doanh sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe bằng 0% từ khu vực ASEAN, BMW cho biết chưa có kế hoạch nhập khẩu xe từ khu vực này để hưởng lợi từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, Audi tỏ ra khá bi quan khi cho rằng Hiệp định thương mại tự do ASEAN rất hấp dẫn nhưng việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn khi xét kỹ về xuất xứ cùng các hàng rào phi thuế quan khác có thể được dựng lên. Hiện tại, Audi cũng có nhà máy lắp ráp xe tại Indonesia nhưng bỏ ngỏ khả năng xuất sang thị trường VN sau năm 2018.
Về phần Mercedes-Benz, khi được hỏi liệu có khả năng mở rộng thêm dòng sản phẩm lắp ráp trong nước nhằm tận dụng lợi thế “sân nhà” hay không? Câu trả lời là còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như Mercedes cũng chưa có quyết định cụ thể về kế hoạch sản xuất sau năm 2018. Dường như các DN kinh doanh, sản xuất lắp ráp xe hơi tại VN đang “nín thở” chờ thời điểm 2018 trước khi có quyết định mang tính lâu dài.
Theo Đình Mười - Thái Nguyễn - Chí Nhân
Thanh niên