Một số DN nhập khẩu hàng hóa đang khốn đốn vì bị đối tác lừa gạt, gửi hàng không đúng với hợp đồng ngoại thương đã kí kết.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, các DN này còn gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết thủ tục hải quan đối với những lô hàng này.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, mới đây tại đơn vị một DN khai báo NK lô hàng nguyên phụ liệu gồm 5.800 kg theo hợp đồng ngoại thương với một đối tác nước ngoài, nhưng khi nhận hàng mới tá hỏa vì chỉ có trên 1.000 kg nguyên phụ liệu. Theo trình bày của DN, lô hàng NK nêu trên theo hợp đồng ngoại thương giữa DN với đối tác nước ngoài. Tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng Xanh (không phải kiểm tra thực tế hàng hóa).

Tuy nhiên, sau khi thông quan lô hàng, DN đưa hàng về kho riêng kiểm tra thì phát hiện đối tác đã không giao đủ hàng theo hợp đồng. Ngày 26-7-2012, DN đã đề nghị công ty giám định Vinacontrol TP.Hồ Chí Minh giám định số lượng, tình trạng của lô hàng. Kết quả giám định cho thấy số lượng hàng thực tế chỉ có 22 cuộn vải trong khi số lượng hàng thể hiện trên Packing list là 126 cuộn, thiếu 104 cuộn.

Ngày 13-7-2012, DN có đơn tố cáo hành vi lừa đảo của đại diện phía đối tác nước ngoài với cơ quan Công an và được hướng dẫn gửi đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân TP.HCM. Tuy nhiên, DN không thể làm thủ tục khởi kiện vì đối tác không có bất cứ văn phòng nào ở Việt Nam, các địa chỉ của đối tác đều không có thực, kể cả người đại diện của phía đối tác cũng là tên giả mạo. Vụ việc nêu trên không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế cho DN, mà còn ảnh hưởng đến việc làm thủ tục hải quan đối với lô hàng này.

Mới đây, DN có văn bản gửi Cục Hải quan TP.HCM xin điều chỉnh sau thông quan đối với tờ khai nói trên theo số lượng thực tế tại chứng thư giám định. Theo đó, công ty đề nghị chuyển tiêu thụ nội địa đối với toàn bộ số nguyên phụ liệu trên, nhưng Cục Hải quan TP.HCM cho rằng còn vướng do quy định tại Thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 5-11-2009 của Bộ Công Thương, mặt hàng nguyên phụ liệu vải nhập khẩu nêu trên phải đáp ứng đủ điều kiện về hàm lượng Formaldehyt.

Tuy nhiên, DN mới chỉ gửi thông báo đủ điều kiện nhập khẩu đối với số vải thực nhập là 12.100 mét vải (thuộc 22 cuộn). Hiện Cục Hải quan TP.HCM đang chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an để có hướng xử lý lô hàng nêu trên cho DN.

Vào cuối tháng 3-2013, một DN tại TP.HCM mở tờ khai hải quan qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng – Cục Hải quan TP.HCM khai báo nhập khẩu 44 tấn nhôm không hợp kim. Lô hàng được thông quan luồng Vàng, với hình thức kiểm tra hồ sơ giấy. Sau khi lô hàng được thông quan, hàng được chuyển khẩu từ Cát Lái về Tân Cảng để thực hiện cắt seal, mở container để rút hàng tại bãi Tân Cảng kiểm tra thì phát hiện toàn bộ hàng hóa trong container là gạch nung dùng để lát vỉa hè, với số lượng 160.008 viên. Theo giải trình của giám đốc DN này, DN ký hợp đồng mua nhôm không hợp kim của một DN tại Trung Quốc, nhưng hàng hóa đã bị thay đổi toàn bộ. Sau khi phát hiện vụ việc, DN đã liên hệ với đối tác bán hàng nhưng không liên hệ được.

Trước đó, hai DN mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 và Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP.HCM, khai báo NK 22 container đồng phế liệu, trị giá hàng chục tỉ đồng. Nhưng khi kiểm tra thực tế hàng hóa, cả DN và cơ quan Hải quan đều ngạc nhiên vì toàn bộ hàng hóa trong các container đều là đá cục và đá dăm, không phải là đồng phế liệu như khai báo của DN. Trong 2 vụ việc này, DN cũng không thể liên hệ được với đối tác nước ngoài.

Điều đáng nói, tất cả các vụ việc nêu trên, khi phát hiện hàng hóa NK không đúng với hợp đồng ngoại thương, các DN Việt Nam liên hệ với phía đối tác thì đều không liên lạc được. Lúc này, các DN mới biết mình đã bị lừa, nhưng không có cách nào để khởi kiện hay khiếu nại được vì tất cả các địa chỉ, điện thoại liên lạc của đối tác đã ở trạng thái “DN ma”… Đây là một trong những lời cảnh báo đối với các DN Việt Nam khi tìm hiểu, kí kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.

(Nguồn: Báo hải quan)

Nguồn: Vinanet