(VINANET) - Giá bán cạnh tranh, cộng với thuế nhập khẩu 0% đã khiến các sản phẩm dầu ăn từ Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan… tràn ngập thị trường nội địa.

Tại các siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố khác, các thương hiệu dầu ăn nhập khẩu được bày bán khá nhiều, với mức giá bán lẻ tương đương như dầu ăn sản xuất trong nước.

Cụ thể, nhãn hiệu dầu ăn Sailing Boat loại 1 lít (gồm dầu đậu nành, dầu cọ và dầu cải, đóng chai tại Malaysia) có giá 43.000 - 45.000 đồng; dầu Omely (Indonesia) có giá 38.000 đồng/chai 1 lít; dầu đậu nành Cook (Thái Lan) 48.000 đồng/chai 1 lít…

Theo tin từ Hải quan các cửa khẩu tại TP.HCM, giá dầu đậu nành tinh luyện nhập khẩu qua các cửa khẩu trong năm 2012 trung bình chỉ 13.000 đồng/lít, dầu cọ tinh luyện giá 12.700 đồng/lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện giá 17.200 đồng/lít...

Mức giá bán này tương đương, hoặc chỉ cao hơn từ 2 đến 5% so với giá dầu ăn sản xuất trong nước.

Số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 254,5 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng dầu mỡ động thực vật, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước lại giảm 19,44%.

Trong đó thị trường Malaysia là thị trường chính cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam với kim ngạch 159,2 triệu USD, nhưng vẫn giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012, giảm 11,28%.

Malaysia là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn trên thế giới. Sản lượng dầu cọ lớn trên thế giới. Sản lượng dầu cọ hàng năm của Malaysia chiếm tới 35,2% tổng sản lượng dầu cọ toàn thế giới. Khi sức tiêu thụ sản phẩm này trên thế giới có dấu hiệu suy giảm, thì doanh nghiệp Malaysia đã nhanh chóng chuyển hướng, quay sang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Theo đại sứ quán Malaysia tại ViệtNam, năm 2012, Việt Nam nhập khẩu khoảng 469 tấn dầu cọ của Malaysia, tăng 11,7% s với năm 2011. Trong 5 tháng đầu năm nay, Malaysia đã xuất khẩu 173.000 tấn dầu cọ sang Việt Nam, tăng mạnh so với con số 145.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Sản phẩm dầu cọ của Malaysia xuất sang Việt Nam tăng mạnh, một phần là nhờ các doanh nghiệp nước này rất năng động trong việc tìm kiếm đối tác, khách hàng tại ViệtNam. Tại Hội thảo và Hội chợ Thương mại Dầu cọ Việt Nam – Malaysia 2013 (POTS) vừa diễn ra tại TP.HCM, các doanh nhân Malaysia khác tích cực trong việc tìm kiếm đối tác nhập khẩu Việt Nam.Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Nôngn trường và hàng nông sản Malasyia bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng tiêu thụ sản phẩm dầu cọ của nước này tại Việt Nam. Ông đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực đưa ra sáng kiến hợptacs để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực dầu cọ, dầu ăn và chất béo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng ViệtNam.

Theo nhiều chuyên gia thương mại, hiện Việt Nam và Malaysia cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi mở ra cho doanh nghiệp hai nước trong việc tiếp cận và thâm nhập thị trường của nhau. Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Malaysia đã không ngừng tăng trong những năm gần đây,từ mức 4,1 tỷ USD năm 2009 đã tăng lên 7,5 tỷ USD năm 2012.

Thị trường nhập khẩu dầu mỡ động thực vật 5 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNNK 5T/2013
KNNK 5T/2012
% so sánh
Tổng KN
254.593.226
316.037.171
-19,44
Malaixia
159.239.446
179.490.326
-11,28

Indonesia

51.276.196
96.135.877
-46,66
Achentina
10.973.941
30.576
35.790,70
Thái Lan
8.197.236
6.510.361
25,91
Hoa Kỳ
5.300.317
3.457.406
53,30
Chile
3.713.968
2.214.254
67,73
An Độ
2.997.435
1.529.474
95,98
Oxtraylia
2.601.514
892.461
191,50
Hàn Quốc
1.805.322
2.044.024
-11,68
Trung Quốc
1.350.817
3.106.210
-56,51
Singapore
488.995
733.242
-33,31
(Nguồn số liệu: TCHQ)

Dẫn nguồn từ báo Đầu tư (ngày 14/6/2013) cho biết, theo điều tra của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), dầu thực vật nhập khẩu có sự gia tăng đột biến về số lượng vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, nếu năm 2010 lượng dầu thực vật nhập khẩu là 350.878,66 tấn, thì năm 2012 con số này đã là 604.375,06 tấn.

Trước thực trạng dầu thực vật nhập khẩu gia tăng, đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất dầu ăn nội địa, đồng thời theo đề nghị của các doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn trong nước, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế suất thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam, áp dụng từ ngày 7/5/2013, trong thời gian không quá 200 ngày.

Tổng giám đốc tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), DN sản xuất dầu thực vật lớn nhất Việt Nam cho rằng, việc áp thuế suất thuế nhập khẩu dầu ăn về 0% từ đầu năm 2012 đang khiến các DN trong ngành lao đao và Vocarimex cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia cũng như chính các DN sản xuất dầu ăn trong nước thừa nhận, khoảng thời gian 200 ngày áp dụng biện pháp tự vệ cũng khó làm thay đổi cục diện thị trường, bởi trong khoảng thời gian ngắn như vậy, DN trong nước cũng khó lòng ngay lập tức nâng cao được sức cạnh tranh, khi mà ngành sản xuất dầu thực vật trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (trên 90%), hầu hết các nhà máy mới được đầu tư, đang trong thời kỳ khấu hao…

Từ nay đến cuối năm 2013 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn với các DN sản xuất dầu ăn trong nước, bởi hàng nhập khẩu vẫn có xu thế tăng, cạnh tranh trực diện với hàng nội địa, bất chấp việc áp dụng biện pháp tự vệ với thuế nhập khẩu 5%.

Nguồn: Vinanet