Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 15,1 tỷ USD, tăng 7,5 % so với năm 2011, chiếm trên 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng dệt may cao hơn so với nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 2 là điện thoại các loại và linh kiện tới 2,38 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao theo từng năm

Từ nhiều năm qua, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài (xuất gia công) và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu (sản xuất xuất khẩu). Năm 2012, tỷ trọng hai loại hình này chiếm hơn 96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; trong đó, xuất gia công chiếm 75,3%, xuất sản xuất xuất khẩu chiếm 21,2%.

Số liệu thống kê hải quan nhiều năm qua cho thấy, mức kim ngạch bình quân tháng của nhóm hàng dệt may xuất khẩu tăng liên tục qua các năm. Cụ thể, năm 2005 mức kim ngạch bình quân tháng chỉ là 401 triệu USD/tháng, đến năm 2010 con số này đạt hơn 900 triệu USD/tháng và đến thời điểm năm 2012 đạt 1,26 tỷ USD/tháng.

Cũng theo số liệu thống kê hải quan nhiều năm qua cho thấy, chu kỳ xuất khẩu của hàng dệt may do tính chất mùa vụ nên thường bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đạt mức cao nhất vào tháng 8 hàng năm (năm 2012, tháng 8 xuất khẩu đạt 1,52 tỷ USD- mức kim ngạch kỷ lục từ trước tới nay).

Xuất khẩu hàng dệt may của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch cao hơn hẳn doanh nghiệp trong nước. Năm 2005 xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp FDI chỉ đạt 2,14 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.

Kể từ năm 2007, xuất khẩu nhóm hàng này của doanh nghiệp FDI liên tục tăng và chính thức vượt doanh nghiệp trong nước. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 9,02 tỷ USD, tăng 6% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 59,8%. Trong khi đó, con số xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước là 6,1 tỷ USD, thấp hơn 2,9 tỷ USD so với doanh nghiệp FDI.

Trong năm 2012, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Tổng kim ngạch hàng dệt may xuất sang 4 thị trường này đạt 12,96 tỷ USD, chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Hoa Kỳ- Thị trường xuất khẩu hàng đầu

Trong đó, Hoa Kỳ luôn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,46 tỷ USD, chiếm 49,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Đồng thời trong số các nhóm hàng của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ thì hàng dệt may dẫn đầu với tỷ trọng chiếm 37,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA), năm 2012 thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Hoa Kỳ chiếm khoảng 7,6%. Trong năm qua, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng dệt may từ tất cả các nước trên thế giới giảm nhẹ (0,4%) nhưng nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam vẫn tăng hơn 8% so với năm trước.

Trong 4 thị trường chính nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, EU là thị trường duy nhất có mức suy giảm nhẹ trong năm 2012, đạt 2,5 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2011. Ba thị trường Hoa Kỳ (đạt 7,5 tỷ USD), Nhật Bản (đạt 2,0 tỷ USD) và Hàn Quốc (đạt 1,1 tỷ USD) đều có mức tăng cao hơn mức tăng chung (7,5%) của nhóm hàng này, lần lượt là 8,7%, 22,2% và 17,6%.

Hàng dệt may của Việt Nam xuất ra thế giới chủ yếu là nhóm hàng bộ com- lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, áo khoác thể thao, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần ống chẽn và quần soóc dành cho phụ nữ và trẻ em gái (mã HS 6204 và HS 6104), bộ com- lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, áo khoác thể thao, váy dài, váy, chân váy, quần dài, quần yếm, quần ống chẽn và quần soóc dành cho nam giới và trẻ em trai (HS6203); các loại áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy, gi-lê (HS6110); áo phông, áo may ô và loại áo lót khác (HS6109)...

(Nguồn Hải Quan Online)

Nguồn: Internet