(VINANET) – Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng 5/2015, Việt Nam đã thu về 20,4 triệu USD từ xuất khẩu hàng mây, tre, cói và thảm, giảm 9,1% so với tháng 4/2015, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2015, xuất khẩu mặt hàng này đạt 104,4 triệu USD, tăng 5,51% so với cùng kỳ năm 2014.

Sản phẩm mây, tre, cói của Việt Nam đã có mặt tại 18 quốc qua trên thế giới, trong đó nổi bật là thị trường Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn, đạt 24,4% tổng kim ngạch, đạt 25,5 triệu USD, tăng 15,12% so với 5 tháng 2014.

Thị trường có kim ngạch lớn thứ hai sau Hoa Kỳ là Nhật Bản chiếm 17,5%, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu hàng mây, tre, cói và thảm sang thị trường Nhật Bản lại giảm nhẹ so với cùng kỳ, giảm  0,43%, tương ứng với 18,3 triệu USD.

Thị trường đứng thứ ba về kim ngạch là Đức, đạt 13,3 triệu USD, tăng 19,94%.

Ngoài ba thị trường chính kể trên, hàng mây, tre, cói của Việt Nam còn có mặt tại các thị trường khác nữa như: Anh, Hàn Quốc, Canada, Tây Ban Nha…. Trong số những thị trường này thì xuất khẩu sang thị trường Hà Lan có tốc độ tăng trưởng vượt trội, tăng 102,84%, đạt 5,2 triệu USD tuy chỉ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng về kim ngạch xuất khẩu.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói thảm 5 tháng 2015 – ĐVT: USD

Thị trường
KNXK 5T/2015
KNXK 5T/2014
+/- (%)
Tổng cộng 
104.416.201
98.958.754
5,51
Hoa Kỳ
25.512.740
22.161.659
15,12
Nhật Bản
18.374.082
18.453.673
-0,43
Đức
13.382.015
11.156.801
19,94
Hà Lan
5.253.437
2.589.958
102,84
Anh
4.027.133
3.890.964
3,50
Hàn Quốc
3.850.509
3.944.566
-2,38
Oxtrâylia
3.494.731
3.418.416
2,23
Canada
2.849.586
3.460.678
-17,66
Tây Ban Nha
2.705.883
2.432.274
11,25
Pháp
2.600.328
2.732.748
-4,85
Đài Loan
2.277.846
2.558.148
-10,96
Thuỵ Điển
2.096.480
1.578.217
32,84
Italia
2.040.116
1.869.939
9,10
Trung Quốc
1.763.020
1.341.667
31,41
Ba Lan
1.638.691
1.984.723
-17,43
Bỉ
1.059.859
1.255.340
-15,57
Đan Mạch
736.992
921.484
-20,02
Nga
342.021
1.552.395
-77,97

Thời gian tới với nhu cầu người tiêu dùng tiếp tục tăng cao, tiềm năng của thị trường hàng mây, tre, cói nói riêng và hàng thủ công mỹ nghệ  (TCMN) nói chung rất khả quan, đặc biệt là các mặt hàng mang dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia với các kỹ thuật sản xuất tinh xảo,  thiết kế sáng tạo. Đây chính là cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt để gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Theo Chuyên viên Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN, thị trường hàng TCMN và quà tặng toàn cầu có sức tiêu thụ hàng năm là 100 tỷ USD, trong đó thị trường chính là Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc) và một số nước Tây Âu khác. Đặc biệt, Mỹ là thị trường lớn nhất với mức tiêu thụ khoảng 67,5 tỷ USD, tiếp đến là các nước châu Âu với mức tiêu thụ khoảng 13 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu TCMN có vai trò quan trọng đóng góp vào giá trị gia tăng kinh tế cho mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Trong năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu của hàng TCMN Việt Nam đã tăng 8% so với năm 2013, đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 1,5% thị phần thị trường thế giới. Các mặt hàng mây tre lá, gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Anh; đồ gỗ đã có mặt tại thị trường Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc…

Một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho thấy, 85% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng TCMN đều tham gia xuất khẩu. “Cánh cửa” mở ra đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam đang vô cùng rộng lớn không chỉ bởi nhu cầu thị trường thế giới, Việt Nam lại lợi thế về nguyên liệu và nhân công để phát triển các sản phẩm TCMN, mà còn bởi nhiều nhà nhập khẩu đang rời bỏ thị trường Trung Quốc – vốn được xem là “thiên đường” xuất khẩu hàng TCMN, dịch chuyển sang thị trường Việt Nam.

Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam chia sẻ, vấn đề thị trường không phải là khó khăn, mà cái khó nhất hiện nay là làm sao có được những sản phẩm có tính cạnh tranh.

Nếu Trung Quốc tiếp tục dựa vào thế mạnh của cơ khí hóa quá trình sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của 3 nhóm mặt hàng chủ đạo là chiếu cói, thảm cói, các mặt hàng tre gia dụng; Indonesia tiếp tục tập trung hàng mây nội thất, Philippines vẫn coi thiết kế là chiến lược chính để giữ vị trí số 1 trong thị trường hàng thủ công cao cấp, thì các mặt hàng TCMN của Việt Nam vẫn chưa tạo ra một “dấu ấn” riêng rõ rệt, hướng đến một thị trường cụ thể để chiếm lĩnh nó.

Các nhà sản xuất hàng TCMN của Việt Nam với đặc trưng là sản xuất các mặt hàng giá rẻ có số lượng lớn, chủ yếu phục vụ cho một số nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Ikea (Thụy Điển), Wal Mart và Peer 1 Import (Mỹ)… Đáng nói hơn, hiện có 90% hàng sản xuất TCMN của Việt Nam dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu. Do vậy, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… hàng TCMN của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn. Các đơn vị sản xuất hàng TCMN của Việt Nam chưa nhận ra được tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa và sự cần thiết của việc liên tục đổi mới sản phẩm.

Bên cạnh đó, thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang là hai thị trường nhập khẩu hàng TCMN lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Cả hai thị trường này, đang ngày càng thắt chặt hơn nữa các quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu đối với hàng TCMN đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, các DN cũng cần chú trọng đến các chứng nhận quốc tế để tiếp cận được với các thị trường “khó tính” này…

Hương Nguyễn

Nguồn: Vinanet/Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet