Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái trong tuần từ 11-15/5/2009 đã giảm đáng kể. Các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu thuộc phía Trung Quốc tiếp tục loại trừ các công ty, đơn vị và tư thương không nằm trong phạm vi kinh doanh xuất nhập khẩu tiểu ngạch thì không được nhập khẩu cao su qua cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm. Vì vậy, số doanh nghiệp và tư thương của phía đối tác còn hoạt động nhập khẩu cao su tại cửa khẩu tiểu ngạch này đã giảm tới 60%. Khối lượng cao su tham gia giao dịch hàng ngày đạt mức trung bình 200 tấn. Trong các ngày từ 10 đến 13/5/2009, giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc giảm khá nhanh, từ 11.300 NDT/tấn xuống 10.800 NDT/tấn. Diễn biến này khá đột ngột, vì vào thời điểm cuối tuần lễ trước (từ 5 đến 7/5/2009) nhu cầu thực tế về mặt hàng cao su nguyên liệu sơ chế của thị trường Trung Quốc vẫn ở xu hướng tăng nhẹ.

Để tránh rủi ro, khoảng một nửa công ty đơn vị và tư nhân kinh doanh xuất khẩu cao su đã tạm thời ngừng vận chuyển hàng ra cửa khẩu và hướng về các thị trường khác. Số cao su ứ đọng tại cửa khẩu Móng Cái cũng đang được các doanh nghiệp chuyển hướng xuất sang các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Xuất khẩu thuỷ, hải sản sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đang gặp một số trở ngại. Đó là phía Trung Quốc kiểm tra rất ngặt nghèo về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chống dịch bệnh lan truyền qua các sản phẩm thuỷ, hải sản nhập khẩu. Hiện nay, ở mặt hàng thuỷ sản, bất kể lô hàng lớn, nhỏ nào nhập vào khu vực cửa khẩu Đông Hưng của Trung Quốc cũng phải qua kiểm tra kỹ càng mới được giao cho phía đối tác nhận hàng đã có nhiều lô hàng với khối lượng hơn 40 tấn, chủ yếu là của tư thương Việt Nam đã không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm bị trả lại.

Xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ của các làng nghề vùng Đồng bằng sông Hồng sôi động trở lại. Trong nửa đầu tháng 5/2009, kim ngạch xuất mặt hàng này đạt 1,8 triệu NDT, tăng gần 30% so với tháng 4. 

 

Nguồn: Vinanet