Phía Trung Quốc thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ở một số mặt hàng như phân bón hoá học, nguyên phụ liệu dệt may, gỗ ván ép, vật liệu nhựa.

Từ đầu tháng 5/2009 đến nay, xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc tiếp tục trong xu hướng giảm. Tại cửa khẩu Lục Lầm, mỗi ngày chỉ xuất được khoảng 3 đến 5 lô hàng cao su. Khối lượng cao su giao dịch chỉ đạt bình quân khoảng 200 tấn/ngày, giá cũng giảm xuống còn khoảng 10.400-10.500 NDT/tấn, giảm 300-400 NDT/T so với tuần trước. Các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc vẫn thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn những công ty, đơn vị và tư thương không có giấy phép hợp lệ không được nhập khẩu cao su qua cửa khẩu Lục Lầm. Việc thanh toán tiền nhập khẩu cao su qua ngân hàng cũng gặp khó khăn do phía Trung Quốc kiểm tra rất khắt khe đối với các khoản tiền thanh toán để nhập khẩu cao su. Trở ngại này cũng đang gây khó khăn nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu cao su tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng.

Xuất khẩu các sản phẩm thuỷ hải sản của Việt Nam sang khu vực thị trường nam Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đã bắt đầu tăng. Các doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc đang đẩy mạnh xúc tiến giao dịch với các đối tác Việt Nam để gia tăng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này. Hiện nay, tại Móng Cái, phía Trung Quốc đang có khoảng 30 doanh nghiệp và tư thương thường xuyên nhập khẩu thuỷ, hải sản của Việt Nam. Hiện nay, các chủng loại thuỷ sản mà thị trường phía Nam Trung Quốc đang có nhu cầu cao là sản phẩm tôm, cá, mực, ghẹ, bạch tuộc đông lạnh và các loại hàng khô, chế biến, tẩm ướp gia vị. Một số loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, như sò huyết, ngao, vạng đã xuất được khoảng 10 tấn/ngày, tăng hơn 2 tấn so với tháng trước.

Từ đầu tháng 5 đến nay, phía Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ở một số mặt hàng như phân bón hoá học, nguyên phụ liệu dệt may, gỗ ván ép, vật liệu nhựa. 

 

Nguồn: Vinanet