Suy thoái kinh tế, biến động chính trị, xã hội Bắc Phi, Trung Đông tác động trực tiếp đến xuất nhập khẩu và khả năng thực hiện hợp đồng các nước này.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã khuyến cáo đến các doanh nghiệp hồ tiêu nên thận trọng trong ký kết hợp đồng xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng trong giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu về số lượng, thời gian giao hàng, giá cả, phương thức thanh toán.. nhằm tránh tình trạng hủy hợp đồng, không thanh toán, dẫn đến khiếu kiện mà rủi ro, thua lỗ thường thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh tình hình suy thoái kinh tế thế giới, biến động chính trị xã hội các nước Bắc Phi, Trung Đông, tác động trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp gặp rủi ro trong thanh toán quốc tế.
Theo tính toán của VPA, từ nay tới cuối năm, nguồn cung sản phẩm hồ tiêu trong nước khá hạn hẹp. Cụ thể, nếu sản lượng năm 2013 là 95.000 tấn, tồn cuối năm 2012 chuyển sang ước 10.000 tấn, nhập khẩu 6 tháng ước 5.000 tấn thì tổng nguồn cung ước khoảng 115.000 tấn.
Tính đến ngày 15/7, các doanh nghiệp đã xuất khẩu đạt 87.558 tấn, như vậy những tháng còn lại của năm nguồn hàng trong nước còn rất ít. Theo VPA, giá tiêu trên các sàn giao dịch tại Ấn Độ và giá nhập khẩu thị trường châu Âu, châu Mỹ hiện nay đang có xu hướng tăng, nếu lượng hàng hồ tiêu nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng thì nguồn hàng xuất khẩu sẽ được cải thiện.
Tổng hợp từ VPA cho thấy, hiện nay đang vào thời kỳ canh tác vụ hồ tiêu 2014 với diện tích trồng mới tăng khá mạnh, nhất là các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng tiêu.
Hầu hết các vùng tiêu trọng điểm cho biết đa số vườn tiêu phát triển tốt, dự báo vụ 2014 sẽ được mùa, năng suất, sản lượng sẽ tăng hơn vụ 2013.
(VietnamPlus)