Theo qui định, hầu hết hàng hoá nhập khẩu vào Kenya không phải xin phép nhập khẩu. Tuy nhiên, khi nhập khẩu máy móc, thiết bị làm tài sản cố định thì phải được các Cơ quan có thẩm quyền của Kenya phê duyệt. Các Ngân hàng của Kenya sẽ không phát hành Bảo lãnh để nhà Nhập khẩu làm thủ thông quan hàng hoá nếu không có sự phê duyệt đồng ý cho nhập khẩu đối với các thiết bị, máy móc này.

Việc nhập khẩu động, thực vật và giống cây trồng đều phải tuân theo những Qui định về kiểm dịch động, thực vật và đối với một số loài vật nuôi sẽ phải có Giấy phép nhập khẩu. Các Đại sứ quán Kenya ở nước ngoài chỉ cấp Giấy phép nhập khẩu đối với Chó, Mèo sau khi có xác nhận của Cơ quan thú y chứng nhận các động vật này đã được tiêm phòng vác–xin chống bệnh dại và không có các triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm.

Các mặt hàng sau sẽ được coi là nhập khẩu bất hợp pháp trừ khi được sự đồng ý bằng văn bản của các Bộ, ngành nước này đó là: Giống cây trồng, đất, các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, vũ khí, đạn dược và các loại thuốc không phải là dược phẩm.

Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhìn chung các Qui định là thông thoáng và hầu như không có hạn chế ngoại trừ các mặt hàng sau: Vũ khí, đạn dược, đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật, động vật sống trừ gia cầm, than củi, ngà voi, sừng tê giác,  một số thiết bị và phương tiện vận tải.

Tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Kenya đều phải có các loại chứng từ sau: Tờ khai nhập khẩu (IDF), Hoá đơn chiếu lệ do nhà xuất khẩu phát hành và Biên bản kiểm hàng sơ bộ (đối với các lô hàng có giá trị FOB từ 5.000 USD trở lên) phát hành bởi một trong hai công ty giám định do chính phủ nước này chỉ định là Cotecna Inspections S.A và BIVAC International (Hai công ty này có các Văn phòng đại diện ở các nước trên thế giới và hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu vào Kenya sẽ do đại diện của công ty Cotecna Inspections S.A giám định sơ bộ).

Đối với hàng hoá xuất khẩu từ Kenya cần phải có Mẫu C 29 của Cục Hải quan nước này và Giấy chứng nhận xuất xứ do Bộ Công Thương Kenya cấp: Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A cho hàng hoá xuất vào Mỹ, mẫu Euro 1 cho hàng hoá xuất khẩu vào EU, Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu PTA cho hàng hoá vào COMESA và Giấy chứng nhận xuất xứ thông thường cho tất cả hàng hoá xuất khẩu vào các thị trường khác trên thế giới. Đối với hàng dệt, may xuất khẩu vào Mỹ cần phải có Visa AGOA.

Hàng mẫu nhập khẩu để tham gia các Hội chợ triển lãm thì được miễn thuế. Tuy nhiên, số hàng mẫu này sau đó phải tái xuất hoặc phải có chứng nhận đã thiêu huỷ của cơ quan Hải quan nước này nếu không sẽ bị truy thu thuế nhập khẩu và thuế VAT. 

(TTNN)

Nguồn: Vinanet