Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vượt 15,6 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trên 38%, mức cao nhất trong 5 năm qua và là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam.

Năm 2011, tuy những thị trường trọng điểm như Mỹ, EU và Nhật gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta vẫn đạt con số kỷ lục là 15,6 tỷ USD, tăng 38% so với năm trước. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này chỉ đạt 40 triệu USD, nhưng năm nay đạt trên 50 triệu USD, tăng trưởng 30%.

TGĐ công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết: "Định hướng của công ty là cạnh tranh bằng sức của mình. Thứ nhất là giá hợp lý để cạnh tranh được với Trung Quốc, Indonesia, thứ hai chất lượng phải nâng cao, thứ ba phải nâng cao năng suất".

Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần may 10 thì cho rằng: "Có những DN đi vào thị trường ngách, nhưng riêng chiến lược của may 10 là tiếp tục tăng trưởng ở thị trường truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản".

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu dệt may năm nay cao nhất trong 5 năm qua, đó là các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống đều tăng như: Mỹ tăng 14%, châu Âu tăng 41%, Nhật Bản tăng 52%. Ngoài ra, giá xuất khẩu tăng cũng đóng góp trên 12% vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch nói trên.

Ông Lê Tiến Trường, TGĐ tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định: "Bài học lớn nhất của năm 2011 chính là công tác dự báo đánh giá thị trường, từ đó mới có khả năng điều chỉnh định hướng các DN phù hợp. Thứ hai là việc tận dụng tối đa các thỏa thuận song phương và đa phương ta ký kết được, trong đó đặc biệt là thị trường Hàn Quốc năm vừa rồi rất tốt. Năm 2010 xuất siêu được 4,6 tỷ USD, nhưng năm nay xuất siêu 6,5 tỷ USD, đấy là cái cải thiện rất lớn trong giá trị nội địa và giá trị gia tăng của hàng dệt may, thực chất này mới là đóng góp lớn".

Trước đây, trong mỗi sản phẩm dệt may xuất khẩu thường nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm tỷ lệ cao nên trong nhiều năm qua, tuy kim ngạch XNK của ngành dệt may lớn nhưng giá trị gia tăng thấp. Năm nay có điều đặc biệt là kim ngạch của ngành dệt may rất cao nhưng xuất siêu cũng đạt con số kỷ lục, tức tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm. Thực tế cho thấy, con số xuất khẩu của ngành nào cao hay thấp không phản ánh đầy đủ về hiệu quả kinh tế, quan trọng hơn cả là phải tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Nguồn: Tin tham khảo