Ngành dệt may luôn là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu mạnh, thu nhiều ngoại tệ cho Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may là bông đang thiếu hụt nghiêm trọng. Mỗi năm, ngành dệt may VN tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông, dự kiến đến năm 2020, nhu cầu bông của VN là 600.000 tấn. Tuy nhiên, lượng bông sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 1,5% nhu cầu thị trường.

Theo Bộ Công Thương, năm 2011 ngành dệt may xuất khẩu đạt 15,8 tỉ USD, nhưng lượng bông nhập khẩu chiếm 98%. Chỉ tính riêng năm 2011, ngành dệt may đã bỏ ra 1,1 tỉ USD để nhập khẩu bông và 6,6 tỉ USD để nhập khẩu vải các loại (chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu của toàn ngành).

Bốn tháng đầu năm 2012, nhập khẩu bông của cả nước trị giá 281,7 triệu USD, giảm trên 34% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó riêng tháng 4 kim ngạch đạt 72,87 triệu USD, giảm 31,92% so với tháng 4/2011.

Các thị trường lớn cung cấp bông cho Việt Nam là Pakistan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Braxin; trong đó Pakistan là thị trường mới so với năm ngoái, nhưng đã vượt lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu các loại bông cho Việt Nam với 77,64 triệu USD trong 4 tháng, chiếm 27,56%; tiếp đến Hoa Kỳ 70,11 triệu USD, chiếm 24,89%; Ấn Độ 50,35 triệu USD, chiếm 17,87%; Braxin 34,19 triệu USD, chiếm 12,14%.

Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu bông tăng kim ngạch ở các thị trường như: Braxin tăng 380,9%, Đài Loan tăng 428,44%, Trung Quốc tăng 37,05%. Ngược lại, kim ngạch sụt giảm ở các thị trường sau: Indonesia (-73,45%), Hoa Kỳ (-72,22%), Hàn Quốc (-44,08%), Ấn Độ (-22,56%), Italia (-21%).     

 

Thị trường nhập khẩu bông 4 tháng đầu năm 2012

ĐVT: USD

 
 
Thị trường
 
 
T4/2012
 
 
4T/2012
% tăng, giảm KN T4/2012 so với T4/2011
% tăng, giảm KN 4T/2012 so với cùng kỳ
Tổng cộng
72.869.236
281.702.476
-31,92
-34,01
Pakistan
22.087.755
77.637.042
*
*
Hoa Kỳ
19.153.530
70.114.063
-69,44
-72,22
Ấn Độ
6.355.284
50.346.538
-0,91
-22,56
Braxin
5.296.122
34.188.979
+399,71
+380,90
Australia
2.030.987
5.726.918
*
*
Bờ biển Ngà
2.208.812
4.299.066
*
*
Đài Loan
972.230
2.318.870
+731,50
+428,44
Trung Quốc
532.740
1.165.375
+260,74
+37,05
Hàn Quốc
142.078
483.782
-44,67
-44,08
Italia
53.824
260.302
-51,59
-21,00
Indonesia
95.536
167.204
*
-73,45
 

Tập đoàn Dệt may cho rằng, với tầm quan trọng đặc biệt của cây bông vải trong ngành dệt may VN, cần từng bước tăng tỉ trọng nguyên phụ liệu nội địa trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nâng giá trị gia tăng hàng sợi, vải may mặc sản xuất trong nước.

Năm 2010, cả nước trồng được 10.470ha bông mới chỉ đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu bông xơ cho thị trường. Nguyên nhân diện tích trồng bông giảm do năng suất quá thấp và đang có chiều hướng giảm dần do diện tích trồng bông phân tán, manh mún, nhỏ lẻ chưa thành vùng sản xuất tập trung. Hệ thống thủy lợi chưa phù hợp với việc tưới tiêu, phần lớn vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù giá bông hạt đã được nâng cao từ 17.000 – 18.000đ/kg, nhưng giá các cây trồng khác cũng tăng cao nên giá bông chưa hấp dẫn người nông dân phát triển trồng cây bông vải. Ngoài ra, việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, cơ giới hóa còn hạn chế, nên cây bông vẫn chưa cạnh tranh được với các loại cây lương thực khác, không hấp dẫn người nông dân trồng bông.

Hiện nay Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tại các vùng trồng tập trung để đạt mục tiêu vào năm 2015, diện tích trồng bông trên cả nước sẽ tăng lên 30.000ha và sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn và đến năm 2020, diện tích trồng bông sẽ tăng lên 76.000ha với sản lượng 60.000 tấn.

Sau nhiều năm phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu thì đến nay nước ta cũng đã có một số dự án đầu tư sản xuất xơ, sợi có quy mô lớn vừa được đưa vào hoạt động. Đây là điều đáng mừng cho các doanh nghiệp dệt may nội địa.

Chào bán sản phẩm ra thị trường từ cuối năm 2011, đến nay Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ do Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (Pvtex) làm chủ đầu tư đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ.

Theo kế hoạch, trong năm 2012, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ cung ứng cho ngành dệt may khoảng 150.000 – 175.000 tấn xơ sợi, sẽ cung cấp thêm khoảng 40% nhu cầu về xơ sợi để phục vụ ngành dệt may trong nước. Khi đó, về nguồn cung xơ sợi, ngành dệt may sẽ chủ động được khoảng 70%.

Với công suất thiết kế 500 tấn xơ sợi mỗi ngày, trong hơn 2 năm tới, nhà máy sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợi của cả nước, trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ tiêu thụ khoảng 60% sản lượng của nhà máy này.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, nếu cung cấp đủ 175.000 tấn xơ sợi tổng hợp thì chỉ tính riêng nguồn cung từ Nhà máy này, năm 2012, ngành dệt may sẽ giảm được ít nhất 350 triệu USD nhập khẩu

Sự ra đời Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài cho ngành dệt may, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước; gia tăng giá trị của dầu thô và đa dạng hoá các sản phẩm hoá dầu, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp sản xuất xơ sợi tổng hợp trong tương lai.

Để đạt mục tiêu về sản xuất bông vải, Chính phủ nên giao Bộ NNPTNT xây dựng quy hoạch rõ ràng về trồng bông tại 3 vùng bông Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Trung Bộ, các quy hoạch cụ thể và có kế hoạch hằng năm và nhiều năm cho từng tỉnh, từng diện tích và năng suất cụ thể.

Vì hiện nay chưa có một quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể và ổn định, cây bông vẫn phát triển nhỏ lẻ manh mún, không có chính sách hỗ trợ, trên 70% phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong khi đó, điều kiện thổ nhưỡng của VN rất phù hợp cho cây bông sinh trưởng và phát triển với chất lượng bông xơ chất lượng tốt.

(vinanet)

Nguồn: Vinanet