Theo nhận định của ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), quý II, dệt may tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Ông Trường cho biết, quý I vừa qua, sản xuất của ngành khá ổn định, tăng trưởng xuất khẩu tương đối tốt. Chỉ tính riêng tháng 3/2013 ngành dệt may đạt 1,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tính chung cả 3 tháng đạt 3,79 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Và với mức tăng trưởng này dệt may tiếp tục đứng vào top ngành hàng có kim ngạch cao nhất trong nhóm ngành hàng xuất khẩu của cả nước.

Các thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam nhìn chung cũng có sự khởi sắc, trong đó, thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng, trên 25% so với cùng kỳ. Thị trường EU mặc dù tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn đạt mức 13%.

Theo lý giải của ông Trường, sở dĩ tình hình sản xuất và kinh doanh của ngành dệt may quý I khởi sắc vượt dự đoán là do sự gia tăng mạnh mẽ đơn hàng từ các nhà nhập khẩu, đạt mức tăng trưởng 20%. Ông Trường cũng cho biết, nhờ xuất khẩu tốt, tốt cả về số lượng đơn hàng và giá cũng hợp lý so với năm 2012 nên DN không chỉ giữ được tương đối về hiệu quả mà lượng lao động cũng như thu nhập của người lao động theo đó cũng khá ổn định.

Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 3 tháng đầu năm hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn cũng đạt mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Không nằm ngoài xu thế chung, mức tăng trưởng 21% của tập đoàn cũng chủ yếu do đơn hàng năm nay tốt hơn và các DN trong ngành cũng có sự chuẩn bị sớm nên kết quả đạt được khá hơn so với năm 2012.

Cùng với sự khởi sắc về kim ngạch, hàng tồn kho và công nợ của ngành dệt may giảm rõ rệt. Tính đến hết tháng 3/2013 tồn kho của Tập đoàn Dệt may đã giảm 4% so với cùng kỳ, bao gồm cả tồn kho nguyên liệu, thành phẩm và bán thành phẩm trên dây chuyền. Đây là điều rất đáng mừng và sẽ là ưu thế tạo đà cho ngành dệt may trong quý II.

Như vậy, “căn cứ trên những kết quả đã đạt được trong quý I, tình hình đơn hàng đã ký, chỉ số tồn kho... của ngành thì trong quý II/2013 ngành dệt may vẫn sẽ duy trì được mức tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng 15% của ngành 6 tháng đầu năm chắc chắn sẽ đạt được...”, ông Trường khẳng định.

Tuy nhiên, cái khó của ngành dệt may hiện nay là mức tiêu thụ tại thị trường nội địa rất thấp, thậm chí là không tăng trưởng. Ngay cả trong điều kiện khuyến mãi, mặt bằng giá thấp hơn cả năm 2012 mức tiêu thụ nội địa mặt hàng quần áo cũng không hề khởi sắc. Các DN trong ngành, ngay cả Vinatex hiện cũng đang phải lấy doanh thu từ xuất khẩu để bù sang cho tiêu thụ nội địa.

Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại nội địa, hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, đổi mới hệ thống thu mua, đặc biệt là hỗ trợ cho các DN tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... nhằm kích cầu nội địa, đồng thời hỗ trợ cho các DN gia tăng doanh thu từ thị trường trong nước.../.

(VEN)

Nguồn: Tin tham khảo