Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 4/2009 ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 15,3% so với tháng trước và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu tích cực với nhiều mặt hàng chủ lực tăng hơn tháng trước như: Điện tử máy tính tăng 28 triệu USD, giày dép tăng 21 triệu USD, thuỷ sản tăng 17 triệu USD, dệt may tăng 11 triệu USD… do nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn ổn định.

Tuy nhiên, tình trạng kim ngạch xuất khẩu của tháng 4 giảm so với tháng trước không đáng lo ngại do không còn yếu tố xuất khẩu vàng. Xuất khẩu kim loại quý, đá quý trong tháng 4 ước đạt 15 triệu USD (so với 1,08 tỷ USD tháng 3/2009).

Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào nhóm hàng vàng tái xuất đã giảm trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng. Xu hướng phục hồi càng được khẳng định khi số liệu xuất khẩu thực tế trong tháng 3 vừa được Tổng cục Hải quan công bố.

Theo đó, yếu tố làm tăng xuất khẩu tháng 3 lại chính là tăng kim ngạch trên 15% của gần 2/3 trong số 34 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất so với tháng 2. Trong số 42 nhóm hàng chính (chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu) chỉ có 2 nhóm suy giảm so với tháng trước.

Mặt hàng dệt may vẫn có được tốc độ tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhu cầu giảm trên toàn thế giới do tác động của suy thoái kinh tế. Các mặt hàng nông sản đều tăng, thậm chí tăng rất mạnh như sắn và các sản phẩm từ sắn, gạo… Đặc biệt, xuất khẩu thuỷ sản đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại khi nhu cầu tại các thị trường chính đang tăng. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 3 đạt 293 triệu USD, tăng mạnh (26,2%), còn trong tháng 4 ước đạt 310 triệu USD, tăng 6% so với tháng trước. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng tăng đáng kể như: hàng mây, tre, cói, thảm… tăng 12%; hàng điện tử và linh kiện tăng 15,2%; giày dép tăng 7,5%; hàng túi xách, vali, ôdù tăng 16%....

Bên cạnh đó, mặc dù có rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn tăng so ới cùng kỳ năm 2008.

Đáng chú ý là số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu có kim ngạch trên 50 triệu USD (chiếm 37% kim ngạch xuất khẩu cả nước) đã tăng từ 16 lên 25. Sự suy giảm rơi vào nhóm doanh nghiệp có kim ngạch từ 1-50 triệu USD (chiếm khoảng 53% kim ngạch xuất khẩu của cả nước).

Một yếu tố nữa báo hiệu sự phục hồi của ngoại thương là các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh. Cụ thể như nửa cuối tháng 3/2009, kim ngạch nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu dệt may đạt tới 213 triệu USD và 103 triệu USD, tăng tới 50% so với 15 ngày đầu tháng. Nếu như cả tháng 3 nhập khẩu vải đạt 361 triệu USD, thì tháng 4 lượng vải ước nhập đạt  400 triệu USD. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu tháng 3 đạt 174 triệu USD, thì tháng 4, con số này tăng lên 200 triệu USD. Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nguyên liệu làm giày dép, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, đồ gỗ cũng gia tăng mạnh. Đây là những cơ sở khá vững để dự đoán xuất khẩu các mặt hàng này sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới.

Nhập khẩu: Chủ yếu là hàng châu Á

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu tháng 4/209 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước. Sau một quý xuất siêu, sang tháng 4, Việt Nam trở lại trạng thái nhập siêu với lượng hàng trị giá 700 triệu USD.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng nhập siêu tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới.Nhiều doanh nghiệp đang tranh thủ nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, dụng cụ phụ tùng giá rẻ ở các nước. Chỉ riêng tháng 4, giá trị nhập khẩu mặt hàng này đạt 900 triệu USD. Nhóm hàng này được nhập vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ châu Á (chiếm 71,8% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước), đặc biệt nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc. Điều này đáng lo ngại là các doanh nghiệp đang chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng.

Một điểm đáng lo ngại khác là sau một thời gian đóng băng, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã tăng mạnh trở lại. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, cả nước nhập khẩu 4,26 nghìn chiếc, trong đó loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là hơn 2 nghìn chiếc, gấp gần 4 lần so với tháng trước đó. Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc tháng 4/2009 tiếp tục tăng, đạt khoảng 4.500 chiếc và kim ngạch đạt 92 triệu USD.

Như vậy, kể từ đầu năm tới nay kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã liên tục tăng trở lại, từ 1.300 chiếc trong tháng 1 lên 2.000 chiếc trong tháng 2 và đến tháng 3 tăng lên gần 4.300 chiếc. Trong đó, nhiều nahát là ôtô Hàn Quốc, rồi đến Nhật Bản, Trung Quốc…. Nhìn chung, bức tranh xuất nhập khẩu trong tháng 4 có nhiều dấu hiệu tích cực khi tính chung 4 tháng đầu năm 2009, Việt Nam vẫn xuất siêu 801 triệu USD, bằng 4,3% kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường lớn tuy rơi vào sự giảm sút chung của cuộc suy thoái kinh tế nhưng nhu cầu nhập hàng Việt Nam vẫn khá ổn định. Đặc biệt, nhiều thị trường lớn đang mở ra như thị trường Nam Phi với mức tăng trưởng rất cao 101,9% so với cùng kỳ năm trước. Con đường xuất nhập khẩu từ nay đến hết năm tuy còn nhiều khó khăn nhưng tình hình sẽ được cải thiện hơn nếu những cơ hội đưa lại từ thị trường được các doanh nghiệp tận dụng tốt ngay từ bây giờ.

(TTXVN)

Nguồn: Vinanet