Thay vì phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như hàng chục năm qua, năm 2013 ngành dệt may lần đầu tiên xuất khẩu nguyên phụ liệu ra thế giới.

Việt Nam có 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp phụ trợ, nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu ở mức tối đa là mục tiêu của ngành hàng dệt may - ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu luôn ở Top đầu của nước ta trong năm 2014.

Nếu như cách đây không lâu, những phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh và một số quốc gia khác, thì năm nay hoàn toàn được lấy từ nguồn sản xuất trong nước.

Theo TGĐ Tổng công ty May 10, tỷ lệ nội địa hóa phụ liệu tại công ty đã tăng dần từ 30-40 và cho tới nay đã lên tới gần 60%. Bà Huyền cho rằng, nếu sử dụng phụ liệu trong nước, vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa uyển chuyển trong giao dịch. Vấn đề là chất lượng, vì từ xưa tới nay do sản xuất phụ liệu trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, nên hầu hết phải nhập khẩu.

Thay vì sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, bà Huyền thuyết phục các đối tác nước ngoài sử dụng nguyên liệu trong nước. Kết quả đối tác nước ngoài hài lòng và hợp đồng được ký kết. Những dây chuyền sản xuất mác được nhập từ Thụy Sĩ và Italy với trị giá 35 tỷ đồng. Hiện 80% sản lượng ở đây cung cấp cho các thương hiệu trong nước và một vài doanh nghiệp nước ngoài, trung bình cung cấp 200 triệu sản phẩm nhãn một năm cho thị trường nội địa.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký kết các Hiệp định, đặc biệt là TPP, nhưng quy mô sử dụng các loại nguyên liệu của Việt Nam mới chỉ đạt dưới 10 tỷ USD. Con số này vẫn còn nhỏ, chưa đủ sức hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Muốn đẩy mạnh được khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì vấn đề tiên quyết là phải tăng được quy mô xuất khẩu.

Nếu như vào thời điểm trước năm 1995, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may dưới 20%, thì hiện nay đã đạt trên 50%. Đây là bước tiến đáng mừng của ngành dệt may khi bước sang năm mới 2014 và cũng góp phần hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên con số này vẫn còn thấp so với yêu cầu mà Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP đặt ra.

Khi đó, Việt Nam sẽ gặp thách thức về chứng minh hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ nguyên liệu trong nước. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với ngành dệt may là con đường bắt buộc để hạn chế những thách thức to lớn đối với ngành hàng nhiều năm đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước ta.

Nguồn: VTV

 

Nguồn: Vinanet