Trong năm 2015, để đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 2 tỷ USD, giải pháp đề ra là chú trọng chế biến sâu và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chinh phục” nhiều thị trường khó tính
Theo Bộ Công Thương, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng rau quả đạt 1,5 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2014, rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, rau quả Việt Nam còn có mặt ở nhiều thị trường mới như Hồng Kông, UAE, Hà Lan…
Một trong những điểm đáng chú ý của việc XK mặt hàng rau quả trong năm 2014 là hàng loạt thị trường khó tính đã chấp nhận mở cửa cho rau quả Việt Nam. New Zealand- một trong những thị trường rất khó tính về điều kiện kiểm dịch thực phẩm đã cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam và đang xem xét mở cửa cho xoài Việt Nam.
Mỹ là một thị trường hết sức khó tính nhưng mới đây đã chấp nhận cho phép nhập khẩu nhãn của Việt Nam. Tháng 12/2014, nhãn Việt Nam đã XK sang Mỹ thành công cả bằng đường hàng không và đường biển. Sắp tới, Mỹ còn xem xét cho phép nhập khẩu vải Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là loại quả có mùa vụ ngắn, khó bảo quản lâu nên để chuẩn bị tốt nhất cho cơ hội này, việc lựa chọn công nghệ bảo quản, chế biến sao cho đáp ứng tốt yêu cầu của nhà nhập khẩu đã được triển khai mạnh. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thành bản đồ chiếu xạ để phía Mỹ thẩm định trước tháng 5/2015, phấn đấu vụ vải thiều 2015 có thể lần đầu tiên xuất khẩu vải sang Mỹ...
Việc hàng loạt các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam được các thị trường lớn như Mỹ, Australia… “mở cửa” cho thấy, rau quả Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng giá trị XK, mặt khác cũng giúp rau quả giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc- thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
Năm 2015 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Đây là điều kiện quan trọng giúp các sản phẩm rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh và giữ vững thị phần tại các thị trường XK.
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, khó khăn lớn nhất là làm sao bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm rau quả. Để làm được điều này, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tập trung phối hợp với các địa phương cấp mã số vùng trồng, xây dựng các vùng trồng an toàn dịch bệnh nhằm sản xuất ra nhiều loại rau, hoa quả đáp ứng đủ tiêu chuẩn XK sang các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, các mặt hàng rau quả XK của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là hàng tươi, chiếm đến 90%. Cả nước hiện mới có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Để nâng cao giá trị gia tăng của ngành rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục gia tăng XK các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ chế biến rau quả; gắn kết mạnh hơn giữa vùng nguyên liệu và khâu chế biến để bảo đảm chất lượng các sản phẩm rau quả XK. Làm tốt được điều này, mục tiêu kim ngạch XK rau quả đạt 2 tỷ USD trong năm 2015 sẽ thành hiện thực.
Nguồn: Báo Công thương điện tử