Theo chuyên gia về châu Mỹ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) Cù Chí Lợi: Mỹ Latinh là khu vực tâm điểm của dịch Covid-19, bị ảnh hưởng nặng nề giai đoạn cuối năm 2019, đầu năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh giảm 7% trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện kinh tế Mỹ Latinh đã bắt đầu phục hồi.
Theo Bộ Công Thương, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh trong những năm qua đã không ngừng được mở rộng và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tăng hơn 63 lần từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, XK của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh đạt 8,25 tỷ USD và NK đạt 7,33 tỷ USD.
Không bằng khu vực châu Âu, Mỹ nhưng so với các khu vực khác, Mỹ Latinh có tỷ lệ tiêm vắc xin khá cao, khoảng 60-65%. Phục hồi kinh tế khu vực này năm 2021 khả quan, song chưa thể quay trở về thời điểm trước đại dịch. Dự báo, khoảng năm 2023 hoặc đầu năm 2024, kinh tế Mỹ Latinh mới trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu rất tốt để DN Việt Nam tăng cường giao thương, XK hàng hoá.
“Đáng chú ý, các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh đang thay đổi, cấu trúc lại. So với nhiều quốc gia giao thương với thị trường này, Việt Nam có thể coi là đến muộn hơn. Do đó, quá trình cấu trúc lại của nền kinh tế Mỹ Latinh là cơ hội để DN Việt thâm nhập”, ông Cù Chí Lợi nói.
Một số chuyên gia kinh tế phân tích, thời gian qua tăng trưởng thương mại Việt Nam-Mỹ Latinh khá cao. Nhìn tổng quát, Việt Nam và Mỹ Latinh có sự tương hỗ lớn. Việt Nam có thể là đầu cầu cho DN Mỹ Latinh thâm nhập vào nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể NK nguyên liệu đầu vào khá phong phú từ Mỹ Latinh.
Một trong những tín hiệu rất mới trong hợp tác thương mại giữa đôi bên, nhất là với thị trường Mexico là hợp tác thương mại bắt đầu mang tín hiệu thương mại hiện đại, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam XK sang Mexico lượng lớn hàng điện tử, trong khi đó đây cũng là mặt hàng XK quan trọng của Mexico sang các thị trường như Mỹ, Canada. Như vậy, XK của Việt Nam sang Mexico như 1 đầu vào cho XK của Mexico sang thị trường khác. “Quan hệ thương mại mang dáng dấp chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu. Điều này thể hiện xu hướng phát triển chung thế giới hiện nay, nếu phát triển được tiềm năng thời gian tới rất lớn”, ông Cù Chí Lợi nhấn mạnh.
Đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong khu vực Mỹ Latinh, trong đó đặc biệt là FTA Việt Nam-Chile được ký ngày 11/11/2011, có hiệu lực từ năm 2014; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có 3 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Chile, Peru là thành viên.
“Hiệp định CPTPP đã đi vào thực thi gần 3 năm qua đối với Mexico, Chile và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021 đối với thị trường Peru đem lại những kết quả hết sức tích cực. Các FTA trên được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Mỹ Latinh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, những ưu đãi thuế quan trong CPTPP mang lại cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam XK sang các thị trường như Mexico, Chile. Việt Nam đã có gần 3 năm thực thi CPTPP với Mexico. Giai đoạn 2018-2020, tăng trưởng XK sang Mexico luôn đạt 2 con số với tăng trưởng bình quân 18,8%/năm. Các mặt hàng chủ lực có trị giá XK tăng là điện thoại, phương tiện vận tải, phụ tùng, giày dép… Trong các nước đối tác CPTPP, Mexico và Canada là các thị trường lần đầu tiên Việt Nam có FTA nên thấy ngay hiệu quả tác động tới tăng trưởng XK.
 “Khi nhìn vào trị giá hàng hoá XK sang Mexico cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo CPTPP dễ thấy, trong tổng số 3,8 tỷ USD trị giá XK sang Mexico trong 10 tháng năm 2021 có tới trên 1,4 tỷ USD hàng hoá được cấp C/O theo CPTPP. Tỷ lệ cấp C/O cao chứng tỏ DN đã sử dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP để XK sang Mexico”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu phân tích.
Cơ hội đẩy mạnh XK sang khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đang trên đà phục hồi và DN ngày càng tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA khá lớn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, với FTA điển hình như CPTPP, quy định về quy tắc xuất xứ còn khá mới, khác so với những gì DN XK quen thuộc. Để tiếp tục tận dụng ưu đãi từ các FTA, điểm quan trọng là DN cần nâng cao tinh thần chủ động, nắm bắt cơ hội về ưu đãi thuế quan, nắm vững quy tắc xuất xứ của các FTA. “Để XK được, DN cũng phải nắm rõ thị hiếu, thói quen tiêu dùng của thị trường cũng như các quy định khác về NK hàng hoá như phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, muốn XK hiệu quả sang thị trường Mỹ Latinh, DN phải đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm” bà Trang nhấn mạnh.
Ngoài đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ để thúc đẩy XK, chia sẻ thêm về khó khăn khi XK vào Mỹ Latinh, lãnh đạo một DN chuyên tư vấn hỗ trợ giải pháp logistics cho thị trường Mỹ Latinh cho biết: Sản lượng XK hàng hoá của Việt Nam vào thị trường này vẫn còn khiêm tốn, dẫn đến việc các nhà vận chuyển không ưu tiên hàng hoá của Việt Nam khi sắp xếp hàng hoá lên tàu và máy bay. Trước đây, thời gian vận chuyển hàng hoá sang thị trường Mỹ Latinh thường chỉ mất 30 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian giao hàng đã lên đến 50 – 60 ngày, dẫn đến tình trạng giao hàng muộn, giao hàng không kịp thời vụ. Trong khi đó, hàng hoá Việt Nam XK sang thị trường này chủ yếu là hàng nông sản, cần được vận chuyển nhanh để đảm bảo chất lượng. Logistics là vấn đề nhức nhối cần có cách hoá giải phù hợp khi đẩy mạnh XK sang Mỹ Latinh thời gian tới.
 

Nguồn: Thanh Nguyễn/haiquanonline