Trước diễn biến bất thường của xuất khẩu nông, thủy sản trong quý I/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp bàn với các hiệp hội ngành hàng và một số DN XK nông lâm thủy sản để tìm phương án thúc đẩy XK cho mặt hàng trong năm 2015 vào đầu tháng 5/2015 tại Hà Nội.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; giá trị XK thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%.

Trong đó, XK thủy sản sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ: giá trị XK sang Mỹ giảm 33,8%; Nhật Bản giảm 15,1%, Hàn Quốc giảm 5,2%, EU giảm 11%... Trong đó, hai nguyên nhân chủ yếu cho sự sụt giảm này là diễn biến tỷ giá ngoại tệ gây bất lợi cho XK và rào cản thương mại lớn tại thị trường Mỹ cho sản phẩm XK chủ lực: tôm và cá tra.

Tại cuộc họp, ngoài những khó khăn trong việc thực thi quy định IUU tại thị trường EU, Đạo luật nông trại Mỹ - Farm Bill, đại diện VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cũng đã nêu những khó khăn về sản xuất tôm tại ĐBSCL. Các nhà máy chế biến tôm và cá tra đang thiếu nguyên liệu trầm trọng do diện tích nuôi tại 5-6 tỉnh ĐBSCL giảm đáng kể, có địa phương diện tích nuôi giảm đến 50% do giá thành nuôi cao, giá tôm nguyên liệu rẻ hơn so với tôm Việt Nam, mức tín dụng cho vay không đủ, lãi suất cao. Ông Nam đề xuất Bộ Công Thương đưa nhóm hàng nông lâm thủy sản vào đàm phán tại các Hiệp định tự do thương mại. Để nâng cao chất lượng hoạt động XTTM, Bộ Công Thương cần thay đổi cách thức, nội dung và chất lượng của các chương trình cho hiệu quả hơn. Đồng thời, các tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng cần nắm bắt, chia sẻ, xử lý các sự vụ về tranh chấp thương mại, CBPG nhanh nhạy, hiệu quả hơn.

Đồng tình với nhiều ý kiến của các hiệp hội và kiến nghị của VASEP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, kim ngạch XK 4 tháng đầu năm 2015 chưa đạt được mục tiêu là tăng trưởng XK, hạn chế nhập siêu, trong một số lĩnh vực ngành hàng còn khó khăn do những bất cập mang tính chủ quan nhưng cơ bản đã có nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ ngành để cùng các Hiệp hội và DN tiếp tục phát triển trong năm 2015. Ông Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương đang tích cực thực hiện các nội dung của Nghị quyết 19/NQ-CP (NQ19) của Chính phủ là tháo gỡ hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN nhất là XNK, hải quan trong thời gian tới.

Tổng hợp các ý kiến của các Hiệp hội ngành nông lâm thủy sản, ông Trần Tuấn Anh kết luận 15 vấn đề sẽ được quan tâm và trọng điểm của Bộ Công Thương trong năm 2015.

1. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các Hiệp hội, DN để khai thác tất cả các cơ hội thị trường, phát triển thị trường theo hướng bền vững, phát triển XK, giảm NK. Trong thời gian tới Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các hoạt động thúc đẩy cho DN, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển thị trường với các nội dung cụ thể dựa trên những ý kiến kiến nghị của các Hiệp hội nông lâm thủy sản.

2. Trên cơ sở tinh thần cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ rà soát, đề nghị với Chính Phủ có ý kiến với các Bộ ngành trong việc tập trung thực hiện nội dung của NQ19, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khan, tạo điều kiện cho DN và hướng tới giảm bớt các thủ tục, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản XK.

3. Bộ Công Thương chủ động chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện nội dung NQ 19 trong đó tập trung vào: đàm phán mở các thị trường mới với những ngành hàng có đóng góp quan trọng cho kim ngạch XK của đất nước như: nông lâm thủy sản.

4. Đảm bảo hơn nữa quá trình tham vấn, đối thoại với DN để phục vụ cho hoạt động đàm phán, mở rộng thị trường. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, DN có khảo sát cụ thể từ thực tiễn để có biện pháp đổi mới cả hình thức, nội dung, cách thức tổ chức của các hoạt động XTTM với ưu tiên, trọng tâm trọng điểm vào một số ngành hàng và thị trường trọng điểm đảm bảo hiệu quả trong XK và XK bền vững tại các thị trường đó.

5. Bộ Công Thương tiếp tục có chỉ đạo hệ thống thương vụ và các cơ quan thương mại của VN ở nước ngoài những nội dung cụ thể hướng tới hỗ trợ cho DN, hỗ trợ cho phát triển thị trường tại các thị trường trọng điểm, mặt hàng ưu tiên. Sẽ có sự phối hợp với các Hiệp hội, DN về cơ chế phối hợp nắm bắt, chia sẻ thông tin để phục vụ hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh, XNK của DN.

6. Trên yêu cầu năm 2015, Bộ Công Thương sẽ thành lập một tổ công tác trực tiếp tham gia xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn đọng để hỗ trợ cho DN XK nông sản. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm của Bộ. Tổ công tác này sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại định kỳ với các Hiệp hội, DN nhằm nắm bắt kịp thời, cụ thể các yêu cầu của thị trường và DN để có những đối sách kịp thời, phù hợp đảm bảo hiệu quả, mục tiêu về XK.

7. Bộ Công Thương sẽ có đánh giá kỹ hơn về những yếu tố đầu vào về, giá XK, hướng tới biện pháp cụ thể để giúp giảm giá thành trong SX các SP XK, có biện pháp kiểm soát chi phí đầu vào nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

8. Bộ sẽ chủ động làm việc với Bộ GTVT, Bộ NN và PTNT, Bộ ngành liên quan để có đề xuất về các biện pháp giảm cước phí vận tải hàng hải cũng như các chi phí khác trong chuỗi giá trị từ đó giúp các sản phẩm XK có năng lực cạnh tranh cao hơn, tiếp cận thị trường tốt hơn, thuận lợi hơn.

9. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề nghị với Bộ NN và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá về XK các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc và rút kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua để tổ chức tốt hơn hoạt động kết nối giữa SX và lưu thông phân phối, có tính toán cân đối giữa lưu thông phân phối giữa thị trường nước ngoài và trong nước để đảm bảo ổn định thị trường, tiêu thụ hết các sản phẩm hàng hóa của nông dân, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ như: rau quả, trái cây. Đồng thời hai bộ sẽ thống nhất một số nguyên tắc, nội dung nhiệm vụ để phối hợp chỉ đạo các địa phương trong việc tổ chức SX theo quy hoạch cũng như gắn kết giữa quy hoạch và nhu cầu thị trường để đảm bảo ko để xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ tại các biên giới và XK tiểu ngạch. Đây cũng là nội dung ưu tiên mà Bộ Công Thương sẽ phổi hợp với Bộ NN tổ chức thực hiện trong tháng 5 và 6/2015.

10. Bộ Công Thương sẽ thống nhất với Bộ NN và PTNT tổ chức hội nghị phối hợp với các địa phương, các khu vực SX các mặt hàng nông lâm sản và thủy sản sớm thống nhất về tổ chức gắn kết giữa khâu quy hoạch SX và tiêu thụ, phân phối và đặc biệt là một số biện pháp tạo điều kiện hỗ trợ cho DN trong khâu tổ chức liên kết giữa DN và nông dân, đảm bảo SX nông nghiệp bền vững và phát triển thị trường bền vững.

11. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Cục XNK cùng phối hợp với các đơn vị có liên quan để có chỉ đạo cụ thể cho các đơn vị phụ trách về thị trường khu vực và đặc biệt là hệ thống các cơ quan tham tán Thương tán thương mại, Thương vụ nước ngoài để có việc rà soát về thị trường, vấn đề hội nhập thông qua các FTA, TPP để thống nhất việc cung cấp thông tin, hình thức, nội dung, cách phối hợp thông tin để tìm hiểu thị trường, nắm bắt cơ hội từ quá trình hội nhập, đặc biệt cách thức tổ chức trong tiếp cận, phát triển thị trường cho các HH, DN nhất là các thị trường trọng điểm và thị trường mới tiềm năng. Bên cạnh việc chấn chỉnh thực hiện của các cơ quan TM, tham tán, thương vụ có trách nhiệm giao cho Cục XTTM phối hợp Cục XNK phối hợp các Hiệp hội nghiên cứu đề xuất các nội dung mới liên quan tới tới XTTM. Năm 2015, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu nhu cầu của các Hiệp hội, DN lớn trong các lĩnh vực ưu tiên xây dựng đề án XTTM mang tính đặc thù để tổ chức thực hiện ở các thị trường này với sự tham gia của cơ quan Thương mại, Hiệp hội, DN.

12. Thời gian tới, rà soát vấn đề hội nhập, khai thác cơ hội thị trường FTA, các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho DN, cung cấp thông tin truyền thông nghiên cứu. Cần ưu tiên cho một số nhóm sản phẩm có tiềm năng có nhu cầu và lợi thế so sánh để có biện pháp khắc phục cụ thể những tồn tại yếu kém trong phát triển thị trường.

13. Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Tài chính và đề xuất cơ chế về thuế, thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện cho DN theo hướng cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho DN.

14. Phối hợp với Bộ NN và PTNT để có kế hoạch phân công cụ thể phát triển thị trường, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2015. Bộ Công Thương sẽ chủ động làm việc phát triển thị trường, thương hiệu nông sản Việt Nam với Bộ Ngoại giao đưa vào chương trình làm việc của các lãnh đạo cấp cao. Đặc biệt bám sát, nắm bắt các định hướng của thị trường những thay đổi về chính sách thương mại của các quốc gia đối tác để từ đó có báo cáo tham mưu cho Chính phủ có những chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời, giải quyết tranh chấp thương mại cho các sản phẩm XK.

15. Tiếp tục tạo sự kết nối giữa DN và cơ quan quản lý NN theo hướng nâng cao hơn nữa môi trường SX, kinh doanh và XK.

Nguồn: vasep.com.vn