Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Saudi Arabia đã vi phạm tiêu chuẩn như không đăng ký thông tin về sản phẩm, tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với tên trong chứng từ nhập khẩu …

Bộ Công Thương cho biết, mới đây, Bộ đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Hà Nội, thông báo về việc một số công ty có sản phẩm xuất khẩu sang Saudi Arabia vi phạm các quy định về tiêu chuẩn khi nhập khẩu vào thị trường này.

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo nhài, phía Việt Nam đã vi phạm không đăng ký thông tin về sản phẩm gạo như: màu sắc, độ dài, tỉ lệ tấm; Ghi lời quảng bá không được phép như “tuyệt hảo”; Tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với tên trong chứng từ nhập khẩu; Không ghi rõ mùa vụ; Ghi trùng tên sản phẩm và trọng lượng tịnh; Nhãn dán dễ bóc rời (được dán không đúng vị trí); Không đăng ký thông tin bằng tiếng Ả-rập.

Còn đối với gạo trắng hạt dài, hình thức vi phạm của các doanh nghiệp Việt Nam là tên sản phẩm bằng nhãn dán thay vì phải in trực tiếp trên bao bì; Tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với trong chứng từ nhập khẩu; Không ghi rõ tỉ lệ tấm; Không đăng ký xuất xứ và trọng lượng bằng tiếng Ả-rập.

Đối với mặt hàng gạo hạt ngắn, hình thức vi phạm là tên của nhà nhập khẩu trên bao bì khác với trong chứng từ nhập khẩu; Không ghi rõ tỉ lệ tấm; Tên sản phẩm bằng nhãn dán thay vì phải in trực tiếp trên bao bì.

Về mặt hàng hạt tiêu đen, hình thức vi phạm là dự lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép.

Mì ống, mì sợi trứng, các doanh nghiệp Việt Nam lại không có chứng nhận đã xử lý nhiệt đối với các sản phẩm có bột trứng.

Mì sợi thẳng, hình thức vi phạm là không ghi trọng lượng tịnh bằng tiếng Ả-rập. Riêng đối với mì ăn liền vị bò doanh nghiệp Việt lại không ghi rõ tên, thành phần bằng tiếng Ả-rập và sản phẩm có chứa chất béo không rõ nguồn gốc.

Đối với mì ăn liền vị gà, hình thức vi phạm là không ghi rõ tên, thành phần bằng tiếng Ả-rập, có chứa chất béo không rõ nguồn gốc. Riêng mì ăn liền vị tôm, doanh nghiệp Việt lại không ghi rõ tên, thành phần bằng tiếng Ả-rập và cũng có chứa chất béo không rõ nguồn gốc.

Đối với mặt hàng tôm đông lạnh lại là sản phẩm được nhận định có chứa vi khuẩn Phipprobara Imolins. Còn đối với hạt điều - sản phẩm đã có chứa vi khuẩn còn sống.

Trước những vấn đề trên, Bộ Công Thương cho biết đã nhiều lần cảnh báo. Hiện nay, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Saudi Arabia đã tăng cường các biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về dán nhãn và các quy định khác. “Đề nghị các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng trong việc bảo đảm tiêu chuẩn, quy định dán nhãn hàng hóa và các quy định khác khi xuất khẩu thực thực phẩm và dược phẩm sang thị trường này”, Bộ Công Thương cảnh báo.

Nguồn: Vnmedia.vn

Nguồn: Vinanet