Hoa Kỳ vừa hoàn thành đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng năm 2008 (CPSIA) để tạo ra một môi trường đảm bảo an toàn sản phẩm tiêu dùng được sản xuất và nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau trên thế giới vào thị trường này. Theo đạo luật mới có hiệu lực từ ngày 12/11/2008 này, hàng hoá xuất khẩu cần có giấy chứng nhận Hợp chuẩn tổng quát với mỗi chuyến hàng. Vấn đề là đạo luật này mở rộng đáng kể những yêu cầu so với trước, vì thế doanh nghiệp Việt Nam phải rất lưu ý khi đưa hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ.

Với CPSIA, phía Hoa Kỳ đã mở rộng đáng kể yêu cầu tự chứng nhận hiện hành, còn trước CPSIA, những sản phẩm tiêu dùng chịu tiêu chuẩn an toàn theo Đạo luật an toàn sản phẩm tiêu dùng. Nay các sản phẩm tiêu dùng phải chịu tiêu chuẩn an toàn theo các đạo luật khác nữa như Đạo luật các chất gây hại liên bang, vải sợi dễ cháy, bao bì ngăn ngừa nhiễm độc, an toàn hồ bơi và hồ nước mát xa, ngăn ngừa xăng cho tẻ em, an toàn tủ lạnh. Giám đốc chương trình quốc tế của CPSC cho biết, theo quy định của CPSIA mục 102 yêu cầu tăng cường thử nghiệm sản phẩm để cấp chứng nhận hợp chuẩn tổng quát cho các sản phẩm tiêu dùng có kiểm soát và yêu cầu thử nghiệm bởi bên thứ ba với các sản phẩm cho trẻ em. Các sản phẩm cho trẻ em cần được thử nghiệm bởi một “Cơ quan đánh giá hợp chuẩn độc lập”.

Chuyên gia phụ trách thị trường Việt Nam của Uỷ ban An toàn Hàng tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) cho biết, việc chứng nhận phải dựa vào thử nghiệm mọi sản phẩm hay vào một chương trình thử nghiệm.Theo quy định của Luật, CPSC là cơ quan có quyền công nhận phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải nhờ một cơ quan đánh giá hợp chuẩn ở Hoa Kỳ mà có thể chọn một cơ quan đánh giá hợp chuẩn tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn chung trong danh sách được CPSC công nhận.

Theo đạo luật, chứng nhận không chỉ tập trung vào các sản phẩm cụ thể mà còn vào các nhóm sản phẩm cụ thể mà còn vào các nhóm sản phẩm với các đặc tính đó,ví như: “đồ gỗ có sơn”. Sản phẩm không có giấy chứng nhận không thể nhập khẩu hay mua bán ở Hoa Kỳ. Nếu sản phẩm không có giấy chứng nhận khi được yêu cầu mà vẫn xuất hiện ở hải quan Hoa Kỳ thì sẽ bị tiêu huỷ ngay tại Hoa Kỳ nếu vi phạm quy chuẩn, thay vì xuất trả lại nơi đã xuất hàng đi như trước kia vẫn quy định. Đạo Luật cũng quy định giấy chứng nhận phải được công nhận bằng tiếng Anh,có thể thêm một thức tiếng khác, có ghi tên nhà sản xuất, ngày và nơi sản xuất, thông tin liên lạc đối với các cá nhân quản lý hồ sơ thử nghiệm...Giấy chứng nhận phải kèm theo sản phẩm hay chuyến hàng và phải có sẵn cho CPSC và hải quan Hoa Kỳ khi có yêu cầu.

Theo chuyên CPSC, đạo luật đã tạo ra môi trường đảm bảo an toàn cho thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng ở Hoa Kỳ ngày càng được sản xuất, nhập khẩu từ nhiều nước. Hiện Hoa Kỳ đang nhập khẩu khoảng 15.000 loại sản phẩm hàng hoá tiêu dùng  từ khắp nơi trên toàn thế giới. Không chỉ những nhà xuất và nhập khẩu mà cả các nhà sản xuất không quan tâm đến chất lượng thì sản phẩm không tiêu thụ được. Thông điệp của các chuyên gia Hoa Kỳ là doanh nghiệp Việt Nam phải lưu tâm những thông số kỹ thuật chứng nhận, thử nghiệm, giám sát khi đưa hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ. Và vấn đề đặt ra là các nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam có khẳng định được uy tín, chất lượng sản phẩm của mình theo những tiêu chuẩn an toàn mới này hay không. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam sẽ trở nên nổi tiếng nếu có được giấy chứng nhận đảm bảo hợp chuẩn, một chuyên gia của Hoa Kỳ lưu ý như vậy. Vì vậy, các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam nên chú ý đến những yêu cầu liên quan cũng như quan tâm đến chi tiết của đạo luật mà Chính phủ Hoa Kỳ sắp áp dụng.

Để có được những thông tin thiết yếu, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu qua cuốn cẩm nang “Làm sản sản xuất hàng tiêu dùng an toàn hơn?” hoặc truy cập vào địa chỉ www.cpsc.gov để tìm hiểu cụ thể những tiêu chuẩn bắt buộc với hàng hoá tiêu dùng tại Hoa Kỳ.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam