Kể từ ngày 1.1.2014, chính sách ưu đãi thuế quan (GSP) mới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được áp dụng với những thay đổi so với hiện nay. Theo đó, tất cả sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU đều được hưởng GSP tiêu chuẩn.

Hàng hóa được hưởng GSP sẽ có mức thuế nhập khẩu thấp và có khả năng cạnh tranh được trên thị trường, nhất là các sản phẩm dệt may, giày dép, thủy sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện các nước đang áp dụng GSP cho Việt Nam gồm có EU, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ và Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus.

Để tận dụng cơ hội từ GSP, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nắm vững các quy định về GSP của từng nước như quy tắc về xuất xứ, chế độ trưởng thành, điều kiện về cạnh tranh, quy định về vận chuyển. Đồng thời các DN cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí để hạ giá thành nhằm tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN cũng nên đa dạng hóa thị trường, tránh tập trung xuất khẩu vào một thị trường vì sẽ nhanh chóng bị đưa vào diện "trưởng thành" và sẽ không được hưởng GSP. Bởi trong quy định hưởng GSP của EU, các sản phẩm sẽ được tính là "trưởng thành" và bị loại khỏi danh sách hưởng GSP nếu kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đó vượt mức 17,5% tổng nhập khẩu của các nước vào EU của cùng mặt hàng này (riêng đối với sản phẩm dệt may thì ngưỡng này thấp hơn là 14,5%).

Các nhóm có thể tận dụng cơ chế GSP mới như cà phê với thị phần theo GSP hiện tại chiếm 12,11%, nếu áp dụng GSP mới thị phần có thể lên tới 21,68%; thủy sản hiện chiếm 9,89% thị phần có thể gia tăng lên 19,01%; giày dép của Việt Nam vừa được EU cho hưởng GSP lại nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm này đạt tới 34% thị phần. Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc bị tự vệ như nhựa hiện chiếm 5,72% nhưng ước tính thời gian tới sẽ chiếm 16,04%; quần áo và hàng may mặc hiện chiếm 7,46% thị phần và khi GSP mới có hiệu lực thị phần tăng lên 10,5%. Tuy nhiên mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may của VN vào EU năm 2011 lại đạt 19%, khả năng rơi vào ngưỡng tự vệ trong GSP là rất cao... Vì vậy ngoài việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các DN cần theo dõi nắm bắt tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam - EU để điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt hoặc kịp thời thông báo các vướng mắc khi tiếp cận thị trường, phòng EU sử dụng biện pháp tự vệ hoặc áp dụng quy chế trưởng thành.

Trong năm 2012, EU đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,31 tỷ USD, tăng 22,71%. Trong 5 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt hơn 9 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: giày dép, dệt may, điện thoại và linh kiện, cà phê, hải sản, máy vi tính và linh kiện, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU tháng 5 và 5 tháng năm 2013

(Trị giá: USD)

Tổng
2.084.290.000
9.028.548.868
Đức
385.119.168
1.950.352.034
Anh
317.142.667
1.425.149.215
Hà Lan
273.690.958
1.137.762.006
Italia
238.106.266
897.802.778
Tây Ban Nha
203.858.425
814.512.173
Pháp
182.472.771
809.907.297
Áo
145.466.743
677.430.897
Thụy Điển
111.395.360
368.871.818
Slovakia
35.925.887
143.795.383
Ba Lan
28.833.813
136.090.410
Ixraen
45.154.630
133.986.253
Đan Mạch
26.985.410
109.612.208
Bồ Đào Nha
19.193.179
94.697.926
Hy Lạp
16.176.453
72.569.981
Séc
13.750.309
63.078.603
Phần Lan
7.396.491
33.255.608
Latvia
6.872.552
33.008.560
Rumani
5.049.551
28.245.907
Hungari
5.484.798
26.057.287
Slôvenia
3.255.882
17.880.482
Lucxămbua
3.847.829
16.560.655
Lítva
5.056.343
16.247.927
Bungari
1.621.643
7.217.819
Síp
1.330.306
5.074.216
Manta
349.918
4.988.556
Extonia
752.648
4.392.869
 

Nguồn: Vinanet