Ngày 29/10, tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình(Q. Tân Bình – TP.HCM) sẽ diễn ra triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may – VTG 2014.

VTG 2014 hứa hẹn sẽ mang lại một diễn đàn kinh doanh tốt, là cơ hội gặp gỡ, trao đổi. thảo luận trực tiếp giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu mua bán, đổi mới công nghệ ngành dệt may, thêu, đan, và nguyên phụ liệu ngành dệt may....

Ông: David Yang - Giám đốc Công ty Triển Lãm Quốc Tế Chan Chao (Đài Loan) - đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, VTG 2014 năm nay quy tụ hơn 200 đơn vị tham gia với gần 360 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Việt Nam, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất mới nhất để định hướng đầu tư công nghệ mới cho doanh nghiệp. Từ đó, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng nước ngoài…

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với kim ngạch đạt trên 15 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất hàng dệt may Việt Nam đang dần khẳng định được vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu nội địa của ngành may đã được nâng cao đáng kể so với những năm trước (chiếm gần 50%). Trong đó, ngành đáp ứng được 2% nhu cầu bông, 1/8 nhu cầu vải và sản xuất được 140.000 tấn sợi mỗi năm. Cụ thể, với sản phẩm vải veston, hiện đã có 7 nhà máy sản xuất; vải kaki, vải jeans cao cấp cũng đã có 6 nhà máy sản xuất. Còn các nguyên phụ liệu khác như dây kéo, mếch dựng và các sản phẩm phụ liệu hỗ trợ khác hiện nay đều được sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, nguồn nguyên phụ liệu vẫn chưa thực sự chất lượng, chỉ tập trung vào phân khúc trung bình và một số lĩnh vực sản xuất đồ bảo hộ lao động. Do đó, việc sản xuất các sản phẩm cao cấp phần lớn vẫn phải nhập ngoại. Việc tham gia VTG 2014 lần này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận máy móc, thiết bị tiên tiến nhất, nguồn nguyên phụ liệu hợp nhất để phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Có thể nhận thấy, VTG 2014 đã rất nỗ lực khi thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị như: Công ty Artrend với dòng máy in Sroque hay Công ty Chee Siang, công ty Mitsuyin với các dòng máy may. Dòng máy thêu có công ty Barudan, công ty Tajima, công ty Welltex cũng sẽ trưng bày dòng máy dệt kim tròn. Phần mềm phục vụ cho công nghệ may như công ty CSP, công ty Viet Tien Cad. Ngoài ra còn có công ty Vạn Sự Lợi với các dòng máy cắt laser…

Triển lãm cũng nhận được sự hỗ trợ từ các ban ngành và hiệp hội, trong đó có Hiệp hội dệt may thêu đan TP.HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Bông sợi Việt Nam. Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 1/11 để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn