Hàng hóa của Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Indonesia, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, thực phẩm.
Tại hội thảo "Tiếp cận thị trường Indonesia trong giai đoạn hội nhập ASEAN 2015", do Trung tâm xúc tiến Thương mại và Công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia nhận định, Indonesia và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Hàng hóa của Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Indonesia, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, thực phẩm.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc ITPC, Indonesia là thị trường tiêu thụ thực phẩm tươi đứng thứ 5 trên thế giới, do đó đây là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, thực phẩm... mà Việt Nam có thế mạnh.
Đánh giá về thị trường Indonesia, ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Indonesia tại Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội và đầu tư vào Indonesia ở một số ngành có triển vọng tốt như bán sỉ và bán lẻ, khai khoáng, sản xuất công nghiệp... Bên cạnh đó, từ năm 2013, Chính phủ Indonesia đã bãi bỏ quy định hạn ngạch nhập khẩu đối với 38 loại rau, củ quả để ổn định giá cả thị trường trong nước. Điều này, đã mang lại điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu rau, củ quả vào thị trường Indonesia, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Riêng đối với mặt hàng gạo, Việt Nam có tiềm năng thị trường lớn, do sản xuất nội địa tại Indonesia không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và sức tiêu thụ của người dân.
Chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp thông tin thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam, bà Donna Gultom, Giám đốc hợp tác ASEAN, kiêm Giám đốc hợp tác thương mại quốc tế (Bộ Thương mại Indonesia) cho biết, Indonesia có các quy định về xuất nhập khẩu cho từng mặt hàng, tuy nhiên phần lớn là cho nhập khẩu tự do, chỉ giới hạn hay cấm một số mặt hàng liên quan đến an ninh quốc gia, sức khỏe người tiêu dùng, môi trường... Doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu vào thị trường Indonesia, cần xin giấy phép xuất khẩu, cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Đồng thời, trong khâu dán nhãn hàng hóa nhập khẩu bắt buộc phải sử dụng tiếng Indonesia đối với một số sản phẩm như thức uống, thực phẩm.
Trong 5 năm gần đây, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia tăng bình quân khoảng 25%. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia tăng qua từng năm. Cụ thể đạt 1,43 tỷ USD vào năm 2010; 2,35 tỷ USD (2011); 2,35 tỷ USD (2012); 2,45 tỷ USD (2013); 2,89 tỷ USD (2014). Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu các mặt hàng: điện thoại và linh kiện, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may, gạo, cà phê... Riêng về kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia cũng tăng trong những năm gần đây, riêng năm 2014 đạt 2,49 tỷ USD, tập trung vào các mặt hàng cao su và sản phẩm từ cao su, nhiên liệu khoáng, gỗ và sản phẩm gỗ, bánh kẹo, ngũ cốc.
Nguồn: TTXVN