Với hơn 140 triệu dân, Nga đang là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng nông và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng phát triển thương mại giữa Việt Nam và Nga, một số chuyên gia nhận định: Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước không những không mang tính cạnh tranh mà còn bổ trợ cho nhau, đồng thời Nga là thị trường quan trọng và truyền thống của Việt Nam với quy mô lớn hơn 140 triệu dân. Bên cạnh đó, đặc điểm của thị trường này là ưa chuộng nhiều sản phẩm tiêu dùng đến từ các nước châu Á do giá rẻ và chủng loại phong phú, không đòi hỏi chất lượng cao như một số thị trường khác.
Theo Tham tán Thương mại, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Nga cho rằng: Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) đang tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào cuối năm 2014, sẽ càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát huy thế mạnh tại thị trường Nga. Doanh nghiệp Việt Nam vừa có thể tận dụng được dư lượng thị trường còn rất lớn thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, vừa có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường Nga dễ dàng hơn nhờ vào các hoạt động mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh ngay tại nước này.

Theo Bộ Công Thương, với việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam, dự kiến kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Nga, Belarus, Kazakhstan có thể tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2018.

Các doanh nghiệp Nga đang rất quan tâm đầu tư vào một số ngành kinh tế của Việt Nam như: khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, xây dựng công trình giao thông, vệ tinh viễn thông, lắp rắp ô tô, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, đánh bắt thủy sản… Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có kế hoạch đầu tư sang thị trường Nga như đầu tư các trung tâm phân phối hàng hóa, vật liệu xây dựng…

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam: khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga là phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia có nguồn cung tương tự. Bên cạnh đó, các rào cản phi thuế quan mà thị trường này đang áp dụng đối với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam còn hạn chế so với các quốc gia khác. Ngoài ra, dù đã giảm thuế so với trước khi Nga gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu hiện nay vẫn tương đối cao. Việc thanh toán giữa doanh nghiệp hai nước còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống chuyển đổi giữa đồng Rúp và đồng Việt Nam chưa thuận tiện, các ngân hàng của Nga lại không dễ cho mở L/C, vận chuyển lại phải qua cảng châu Âu rồi mới vòng về Liên bang Nga đang gây trở ngại khi xuất khẩu.

Để hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại giữa hai nước đạt được những kết quả tích cực, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ thông qua chủ trương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư - thương mại vào Liên bang Nga, qua đó tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như: Dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông - thủy sản, linh kiện điện tử, điện thoại... Đồng thời, Chính phủ hai nước sớm thông qua cơ chế thanh toán song biên bằng đồng nội tệ nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế ảnh hưởng cấm vận, hỗ trợ việc thanh toán cho các doanh nghiệp hai nước trong quá trình hợp tác. Đặc biệt, cần sớm triển khai thành lập Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam vào Liên bang Nga (AVIR-Association of Vietnam Investors in Russia) để trở thành đơn vị đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội, mở rộng quy mô đầu tư tại Nga, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm gắn kết cộng đồng doanh nghiệp hai nước .

Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu, trong giai đoạn 2008-2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Liên bang Nga đã tăng gấp 2 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 28%. Riêng năm 2013, kim ngạch trao đổi giữa hai nước đạt gần 2,76 tỷ USD, tăng 12,61% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nga đạt 1,91 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt 0,85 tỷ USD.

Từ những năm 90 đến nay, Liên bang Nga vẫn là một thị trường truyền thống của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, chè, rau quả, hạt điều, gạo…Với GDP khoảng 1.500 tỷ USD, trên 140 triệu người tiêu dùng trong đó tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển, Liên bang Nga là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng nông sản và thủy sản. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam tại Liên bang Nga trong thời gian qua vẫn chưa đáng kể so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này, đồng thời chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Vinanet/TTXVN
 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam