Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 17% đến 20% kim ngạch XK. Tuy nhiên, nếu so với các nước XK khác vào thị trường Nhật Bản thì tỷ lệ XK của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Đánh giá cao nguồn gốc thực phẩm

Việt Nam-Nhật Bản đặt mục tiêu kim ngạch thương mại 2015 đạt 30 tỷ USD. Con số này gấp gần 1,5 lần so với trên 21 tỷ USD kim ngạch thương mại giữa 2 nước trong năm 2011.

Các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam xuất sang Nhật Bản gồm dầu thô, cà phê, chè, hàng dệt may, giầy dép, hải sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ và đồ gỗ gia dụng. Chỉ riêng 3 mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất là dầu thô, hải sản và dệt may đã chiếm tới 70%-90% tổng kim ngạch XK, nhưng mới chỉ đáp ứng nhu cầu nhỏ của thị trường Nhật Bản đối với các mặt hàng này.

Theo ông Phạm Quang Thịnh, Phó trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng cho DN Việt Nam. Một trong những cơ hội cho DN là thị trường đồ uống và thực phẩm. Xu hướng thị trường thực phẩm và đồ uống Nhật Bản liên tục thay đổi, những thực phẩm chức năng, thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng đang là những loại được người Nhật ưa dùng.

Trước đây, người Nhật sẵn sàng trả giá cao để mua những sản phẩm hoàn hảo về chất lượng. Tuy nhiên, sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011 cộng thêm những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, người Nhật hiện nay có xu hướng chọn những thực phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý, nhiều cửa hàng bán lẻ ở Nhật cũng hướng tới những sản phẩm có giá rẻ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản NK nhiều loại mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, cao nhất là thủy sản, tiếp đến là cà phê, hàng rau quả, bánh kẹo và ngũ cốc. Đặc biệt, thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản hiện nay đánh giá rất cao nguồn gốc thực phẩm. Những từ “Anzen” và “Anshin” (tiếng Nhật, có nghĩa là “an toàn”) trên các nhãn hiệu sản phẩm thường được người tiêu dùng chú ý.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng khuyến cáo DN trong việc xây dựng thương hiệu tốt bởi người Nhật chú ý tới những nhà sản xuất có uy tín đầu tiên. Hương vị sản phẩm cũng được người Nhật quan tâm với những hương vị mới lạ. Một lưu ý quan trọng đối với thị trường Nhật Bản là DN nên tạo dựng được mối quan hệ với một nhà phân phối độc quyền là tốt nhất, DN đừng cố gắng tìm kiếm nhiều đối tác thương mại vì đối với người Nhật “uy tín” là đặc biệt quan trọng.

Chữ “Tín” làm đầu

Chưa nắm được đặc trưng, văn hoá thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị phần XK của Việt Nam sang Nhật Bản còn thấp. Người Nhật hoạt động trên cơ sở tin tưởng, lấy chữ “tín” làm đầu, do đó các DN Việt Nam cần lưu ý khi làm việc với các đối tác Nhật trong phong cách làm việc, giao dịch bởi DN Nhật Bản rất nghiêm chỉnh, lễ nghi, tôn trọng nhau. Trong khi làm việc các DN Nhật Bản thường đòi hỏi các DN đối tác nghiêm khắc và nghiêm chỉnh tới từng cử chỉ, hành động, cách ăn mặc, lễ nghi chào hỏi…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, trong văn hoá kinh doanh giao tiếp với người Nhật, có 4 vấn đề mà các DN Việt Nam cần chú ý coi trọng, đó là cách chào hỏi nghiêm túc, đúng giờ, làm việc ngoài giờ và phải có danh thiếp. Thiếu 1 trong 4 yếu tố trên mà đặc biệt là thiếu danh thiếp vì lý do quên không mang hoặc không có, việc hợp tác làm ăn sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, DN Nhật luôn tìm hiểu kỹ trước khi hợp tác làm ăn nên khi gặp gỡ, DN không nên nóng vội, nếu không sẽ khó có thể hợp tác thành công.

Hiện nay, Nhật Bản cũng như các nước khác ngày càng thắt chặt các biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hàng hoá NK. Các mặt hàng khi vào thị trường Nhật Bản không thể thiếu 5 yếu tố (5S) gần như đã thành quy chuẩn gồm: Sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp.

Người Nhật nói chung và DN Nhật Bản nói riêng coi trọng đảm bảo yếu tố chất lượng, giá cả và sự chuyển giao hàng đúng thời hạn. Theo đó, các sản phẩm khi sang thị trường Nhật phải đảm bảo chất lượng đồng loạt tương đương nhau. Cùng với đó, giá cả hàng hoá cũng là vấn đề sống còn bởi người Nhật luôn luôn mong muốn các mặt hàng có xu hướng càng ngày càng giảm giá.       

 

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam