Đồ gỗ nội thất cho nhà bếp phải được thiết kế đẹp, hợp mốt và phục vụ đựơc những yêu cầu của người tiêu dùng. Những mặt hàng đồ gỗ nhà bếp ở mức giá thấp và trung bình không còn được đại đa số bộ phận dân chúng ưa chuộng nữa. Các nhà nhập khẩu đang tăng cường nhập các mặt hàng đồ gỗ nhà bếp cao cấp về Hàn quốc. Các mặt hàng cao cấp thường có xuất xứ từ Châu Âu, Mỹ, còn các mặt hàng giá thấp và trung bình thì được nhập khẩu từ các nước Châu À như Trung Quốc, Việt Nam.

Ngoài các hệ thống phân phối đồ nội thất, tại Hàn Quốc,  các nhà xây dựng cũng góp phần lớn trong việc tiêu  thụ mặt hàng đồ gỗ nhà bếp. Mặt hàng đồ gỗ nhà bếp cao cấp ở Hàn Quốc thì chủ yếu được nhập từ Châu Âu, Mỹ, còn các sản phẩm trung bình thì đa số được sản xuất tại Trung Quốc. Hơn nữa, rất nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc chuyển nhà máy của mình sang Trung Quốc để tận dụng giá nhân công rẻ, sau đó nhập lại Hàn Quốc để bán tại các hệ thống đồ gỗ nội thất hoặc bán cho các nhà xây dựng.

Thị trường đồ gỗ nhà bếp bị chi phối từ nhu cầu của các cặp vợ chồng mới cưới và những gia đình có điều kiện chuyển vào ở tại các  căn hộ hoặc nhà mới có diện tích lớn hơn. Hai nhóm khách hàng này giữ tỷ lệ tiêu thụ đồ gỗ nhà bếp ổn định và lớn nhất hiện nay. Khoảng 70% các chung cư cũ tại Hàn Quốc được xây dựng từ giữa những năm 1970-1980, tương đựơng khoảng 3,5 triệu căn hộ có trên 20 năm. Do vậy, nhu cầu sửa chữa lại nhà là rất lớn. Điều này cũng làm tăng nhu cầu sử dụng đồ nội thất mới, đặc biệt là đồ gỗ nhà bếp.

Đồ gỗ nhà bếp Mỹ, Ý, Đức và Nhật vẫn chiếm đa số trong phân khúc hàng nhập khẩu cao cấp. Tại Hàn Quốc, Ý chiếm ưu thế trong việc cung cấp đồ gỗ nhà bếp từ trung cấp đến cao cấp, chiếm 35% thị phần, tiếp sau đó là Đức (20%), Mỹ (15%), và Nhật (15%). Những nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam thì chuyên cung cấp hàng giá rẻ, chiếm 60% thị phần. Nói chung, các nhà cung cấp đến từ Mỹ, Châu Âu và Nhật thống trị phân khúc hàng cao cấp bằng các sản phẩm chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Các nhà sản xuất  đồ gỗ nhà bếp Việt Nam cần chú trọng hơn  đến chất lượng và mẫu mã của sản phẩm, chứ  không nên chỉ đơn thuần tập trung vào việc làm hàng giá rẻ. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này tại Hàn Quốc càng ngày càng cao, nên các nhà sản xuất Việt Nam cần liên tục cập nhật những xu hướng mới nhất, tìm hiểu thị trường kỹ để hàng hóa có thể có chỗ đứng tại thị trường Hàn Quốc.

Xu hướng mới nhất  hiện nay của sản phẩm đồ gỗ nhà bếp tại Hàn Quốc là

    * mẫu mã đơn giản

    * sang trọng

    * giá  cả hợp lý

    * đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng.

Các công ty phải đáp ứng đựợc các yêu cầu từ phía các nhà nhập khẩu Hàn Quốc khi muốn bán hàng vào thị trường này, Đối với tất cả các loại đồ gỗ nội thất, kể cả đồ nội thất cho nhà bếp được nhập vào Hàn Quốc, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc rất quan tâm đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm nhằm bảo đảm lợi ích của người mua hàng. Những yêu cầu chung đối với các nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào Hàn Quốc bao gồm:

    * Đáp ứng quy định của Luật kiểm tra an toàn và quản lý  chất lượng của Hàn Quốc. Luật này nhằm bảo vệ  người tiêu dùng tránh rủi ro, nguy hiểm có thể  gây ra do các sản phẩm kém chất lượng hoặc nhập lậu.

    * Có  giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

    * Nhà  sản xuất cần có nguồn gỗ tốt, hợp lệ,  ổn định đáp ứng đòi hỏi của khách hàng để  đảm bảo chất lượng sản phẩm

    * Đảm bảo sản phẩm không gây hại cho môi trường

    * Bao bì  hợp lệ, đúng quy cách

Ngoài ra, hình ảnh nhà xưởng ngăn nắp, gọn sạch, đời sống công nhân tốt, thiết bị máy móc đồng bộ... cũng là điều mà các nhà mua hàng Hàn Quốc quan tâm bởi vì điều này nói lên sự ổn định sản xuất, đảm bảo tiến độ giao hàng. Bạn cũng nên nhớ rằng các nhà mua hàng Hàn Quốc khá thân thiện, tuy nhiên họ không hay hỗ trợ các nhà xuất khẩu khi họ gặp khó khăn về thủ tục 

 (Vietrade)

Nguồn: Vinanet