Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc vừa cho hay, theo quyết định của nguyên thủ quốc gia các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi gồm 15 nước (CEDEAO), các nước thành viên của CEDEAO sẽ áp dụng một biểu thuế hải quan (TEC) chung kể từ ngày 1/1/2015.

Được biết, ý tưởng áp dụng biểu thuế hải quan chung đối với các nước thành viên CEDEAO hình thành từ năm 2006 nhưng chỉ chính thức thực thi kể từ 1/1/2015; đây là một bước tiến quan trọng để tiến tới một thị trường chung trong tương lai.

Như vậy, biểu thuế hải quan này (TEC-CEDEAO) sẽ thay thế biểu thuế quan của các nước trong khối liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi gồm 8 nước (TEC-UEMOA ); thị trường của liên minh hải quan sẽ mở rộng từ 120 triệu người lên 308 triệu người. Việc chuyển áp dụng TEC-UEMOA sang áp dụng TEC-CEDEAO kéo theo sự thay đổi 612 dòng thuế trên tổng 5.988 dòng thuế; theo đó 361 dòng thuế sẽ điều chỉnh tăng và 251 dòng thuế điều chỉnh giảm.

Được biết, biểu thuế TEC-CEDEAO xây dựng dựa trên cơ sở của TEC-UEMOA (có hiệu lực từ năm 2000 và có 4 mức thuế: 0% , 5% ,10% và 20%) ). Tuy nhiên, trong biểu thuế của TEC-CEDEAO sẽ được bổ sung thêm một mức thuế nữa là 35% và mức thuế này áp dụng đối với những hàng hóa nhạy cảm, có tính đặc thù ảnh hưởng đến phát triển chung của vùng.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc áp dụng TEC – CEDEAO có thể dẫn tới việc hình thành một hàng rào bảo hộ thương mại. Trong một loạt các biện pháp bảo hộ, có thể kể đến như việc tạm thời hạn chế nhập khẩu một số loại hàng hóa nào đó, áp thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá và các biện pháp bảo hộ bổ sung khác.

Chính vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã có quan hệ buôn bán hoặc có kế hoạch thâm nhập khu vực thị trường này nên tìm hiểu thật kỹ các thay đổi về biểu thuế Hải quan để có các phương án kinh doanh cho thích hợp.

Theo Bộ công thương, Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu gạo sang châu Phi, tuy nhiên, giai đoạn gần đây đang gặp một số trở ngại. Bên cạnh tình hình bất ổn ở một số khu vực, dịch Ebola tại một số nước Tây Phi, quan trọng hơn về trung và dài hạn đó là sự cạnh tranh của nhiều nước xuất khẩu đang có chiến lược đẩy mạnh sản lượng và xuất khẩu gạo với giá thấp như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và một số nước khu vực Mỹ Latinh như: Brazil, Uruguay…

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

Nguồn: Vinanet