Trung tâm Hợp tác Công nghệ Môi trường Việt Nam - Thụy Điển (CENTEC) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam sẽ phối hợp với VASEP tổ chức hội thảo về kinh doanh bền vững vào ngày đầu tiên của Hội chợ Vietfish, 25/6/2013.

Mục tiêu chính của hội thảo này là giới thiệu các công nghệ sản xuất, chế biến sạch hơn trong lĩnh vực thủy sản và tăng cường đối thoại, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển.

Trước đây, CENTEC đã tổ chức một số hội thảo tương tự - chẳng hạn hội thảo Biogas vào cuối năm 2012 – và nhận được nhiều sự quan tâm cũng như những ý kiến trao đổi, thảo luận tích cực của các bên. Với hội thảo này, CENTEC kỳ vọng sẽ tiếp tục đem đến những thông tin hữu ích và có ý nghĩa cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối tác lâu dài

Thụy Điển và Việt Nam đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ, chân thành và tin cậy lẫn nhau trong suốt 44 năm qua. Thụy Điển cũng đã có những đóng góp không nhỏ giúp Việt Nam xóa đói, giảm nghèo và cải thiện việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Có thể kể đến những công trình lớn mà Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng như nhà máy giấy Bãi Bằng ở Phú Thọ, Bệnh viện nhi Thụy Điển ở Hà Nội… Tuy nhiên, giai đoạn/thời kỳ viện trợ phát triển (ODA) đang dần khép lại khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Thay vì viện trợ ODA, Thụy Điển đã và đang chuyển hướng để trở thành đối tác thương mại của Việt Nam.

Được thành lập để trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển từ năm 2011, CENTEC được xem là một điển hình cho việc tăng cường quan hệ đối tác thương mại ấy. Việc kết hợp kinh nghiệm, năng lực của hai bên được kỳ vọng sẽ cải thiện công tác quản lý môi trường cũng như thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Thực hiện đúng vai trò của một đầu mối trung gian, cho tới nay, CENTEC đã hỗ trợ kết nối trên 20 quan hệ hợp tác đối tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp Việt Nam với phía Thụy Điển.

Trong 2 năm, từ 2011 đến 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng đáng kể, từ 440 triệu USD lên 720 triệu USD. Trong đó, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Thụy Điển.

Thụy Điển – quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ môi trường

Trong nhiều thập kỷ, Thụy Điển luôn duy trì được vị trí dẫn đầu về quản lý môi trường trên thế giới. Những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến rác thải và ô nhiễm tại quốc gia này đều được giải quyết nhờ có hành lang pháp lý vững chắc và những chính sách đúng đắn khích lệ doanh nghiệp đầu tư cải thiện môi trường. Theo đó, nhiều công nghệ tiên tiến đã ra đời góp phần giảm áp lực lên môi trường sinh thái, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp Thụy Điển.

Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý và bảo vệ môi trường với Việt Nam, CENTEC đã mời một nhóm doanh nghiệp Thụy Điển tiêu biểu trong lĩnh vực xử lý nước cấp và nước thải, năng lượng tái tạo và khí sinh học tham gia hội chợ Vietfish. Giải pháp mà các doanh nghiệp này đưa ra chắc chắn sẽ giúp ngành thủy sản tiết kiệm năng lượng, cải thiện tốc độ tăng trưởng của thủy sản nuôi và đơn giản hóa công tác quản lý để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tiềm lực tài chính.

Bạn có muốn:

 • Tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chi phí vận hành sục khí trong các trại nuôi tôm?

 • Sử dụng muối và điện để tăng năng suất trong NTTS thay vì sử dụng kháng sinh?

• Tận dụng chất thải để sản xuất khí sinh học, tăng nguồn thu?

• Khử nước, biến bùn thành tiền?

• Làm cho những chiếc máy cấp đông ngốn ít tiền hơn nhờ bộ lọc ẩm?

• Xử lý nước với hiệu quả và chất lượng cao nhất mà không tốn thêm nhân lực và vật lực? Những câu hỏi trên sẽ được trả lời tại hội thảo do CENTEC phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và VASEP tổ chức ngày 25/6/2013 tại Hội chợ Vietfish.

Xử lý nước đương nhiên là yếu tố cực kỳ quan trọng trong sản xuất và chế biến thủy sản. Xử lý nước đầu vào sẽ giúp cải thiện chất lượng còn xử lý nước đầu ra sẽ giúp hạn chế các tác động lên môi trường. Tuy nhiên, quá trình sục khí trong xử lý hóa chất và xử lý sinh học thường tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Ý thức được điều này, Sorubin, một doanh nghiệp Thụy Điển đã cho ra đời một công nghệ sục khí giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng tới 40- 90%. Xét về nhu cầu sử dụng sục khí trong nuôi tôm và cá ở Việt Nam, khả năng ứng dụng công nghệ này là rất cao.

ZeroBact cũng là một sản phẩm khá thú vị với phạm vi ứng dụng vô cùng rộng lớn. Làm từ những nguyên liệu hết sức đơn giản như muối, nước và điện, ZeroBact có khả năng khử trùng rất tốt và có thể sử dụng ở bất kỳ đâu tồn tại vi khuẩn có hại. Bổ sung sản phẩm này vào các ao tôm, ao cá sẽ giúp cải thiện sức khỏe của vật nuôi và hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, kháng sinh. Ngoài ra, sản phẩm này còn được ứng dụng trong các ngành nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống, chăm sóc sức khỏe, sản xuất dầu khí…

Ngày càng nhiều công nghệ mới xuất hiện, thay thế cho những công nghệ đã lạc hậu và ngốn nhiều nhân lực, vật lực. Một trong những công nghệ mới đó là công nghệ xử lý nước của JOSAB. Nền tảng là zeolite tự nhiên với khả năng hấp thu tuyệt vời, công nghệ này được sử dụng trong cả sản xuất nước uống tinh khiết, xử lý nước thải và xử lý nước đầu vào cho nuôi gia súc và thủy sản.

Xử lý bùn là công việc ‘khó nhằn’ đối với bất kỳ ai làm về lĩnh vực môi trường. Song công nghệ của KONSEB đã làm công việc này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Không những thế, nó còn biến bùn thành một dạng năng lượng hữu ích. Công nghệ này cũng có thể sử dụng trong những ngành có nhu cầu tách nước cao từ bùn thải như ngành thực phẩm.

Trong quá trình cấp đông, một lượng lớn năng lượng sẽ bị lãng phí khi nước ngưng tụ lại và tạo thành lớp nước đá trên bề mặt sản phẩm. Đây là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đều mắc phải. Để khắc phục tình trạng này, công ty Digitech AB của Thụy Điển đã cho ra mắt bộ hút ẩm có tên Coolsaver giúp hạn chế quá trình gỉ sét của trang thiết bị. Vì không hề tiêu tốn năng lượng nên bộ hút ẩm này giúp cắt giảm đáng kể chí phí tiền điện. Ngoài ra, nó còn giảm thiểu những vết trầy xước trên bề mặt thiết bị, giúp tăng độ bền cho các thiết bị cấp đông.

Ở Việt Nam, rác thải hữu cơ ngày càng được sử dụng nhiều để sản xuất năng lượng sạch. FOV Biogas là một trong những công ty có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng bể biogas di động, có thể phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. So với những loại bể hiện có ở Việt Nam, bể biogas FOV có chi phí hợp lý, hiệu quả và khá là bền.

Trong những năm qua, công ty ED Biogas cũng đã cho ra đời giải pháp sản xuất khí ga di động, phù hợp với cả quy mô lớn lẫn quy mô nhỏ. Đây là các giải pháp cho phép khai thác tối đa năng lượng từ chất thải. Ngoài ra ED Biogas còn cung cấp các giải pháp hệ thống giúp sử dụng khí sinh học hiệu quả.

Những giải pháp công nghệ tiên tiến trên sẽ được giới thiệu tại hội chợ Vietfish cũng như tại hội thảo do CENTEC và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với VASEP tổ chức. Hy vọng những giải pháp này sẽ sớm được áp dụng tại Việt Nam để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn.

CENTEC/vietfish

Nguồn: Internet