Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội, năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),  tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hà Nội tăng 12,1% - mức tăng cao nhất trong 10 năm nay. Thành phố đã tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội như hạ tầng kỹ thuật khu vực Bắc sông Hồng, quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội; chuẩn bị điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Đến nay, Hà Nội có quan hệ đối ngoại với trên 60 nước, và quan hệ thương mại với 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu được mở rộng và chuyển dịch linh hoạt, trong đó, khu vực thị trường châu Âu và châu Á được xác định là khu vực thị trường trọng điểm trong chiến lược xuất khẩu của Hà Nội. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 4,280 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2006.

Năm 2007, Hà Nội đã thu hút được 290 dự án và tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn. Thành phố cũng đã triển khai xây dựng đề án phát triển thị trường tài chính, làm cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực dịch vụ cao, chất lượng cao của thành phố. Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội đã tăng 13 bậc so với năm 2006 và đứng thứ 27 trong số 64 tỉnh, thành.

Trong năm qua, Hà Nội đã đưa hoạt động kinh tế đi vào chiều sâu, tập trung vào mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ngành công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng với giá trị sản xuất công nghiệp tăng ở tất cả các khu vực và thành phần kinh tế và tăng 17% so với năm trước. Hà Nội đã bước đầu triển khai tích cực chương trình hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc các ngành thiết bị điện- điện tử- công nghệ thông tin liên lạc, cơ khí, chế biến thực phẩm đồ uống, dệt may cao cấp, hóa dược… Tổng mức hàng hoá và dịch vụ bán ra tăng 20,1%, thị trường nội địa ổn định. Các trung tâm thương mại, siêu thị tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Hoạt động dịch vụ diễn ra sôi động, nhiều ngành, lĩnh vực đã gặt hái nhiều thắng lợi. Thành phố đã đón trên 1,2 triệu khách du lịch.

Các hoạt động tín dụng, ngân hàng tăng trưởng khá với tốc độ tăng vốn huy động và cho vay cao. Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã phát huy được vai trò là kênh thu hút vốn đầu tư của thành phố. Giá trị tăng thêm của dịch vụ tài chính ngân hàng cũng ở mức kỷ lục: hơn 20%; thu ngân sách khoảng 45.709 tỷ đồng.

Với vị thế, uy tín chính trị của Thủ đô, Hà Nội ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, được tôn vinh là “Thành phố vì Hòa Bình”, một điểm đến đáng tin cậy của bạn bè quốc tế. Hà Nội tập trung nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo với đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý có bằng cấp cao, tiềm lực khoa học kỹ thuật lớn mạnh nhất trong cả nước- là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Tuy nhiên, thực hiện các cam kết gia nhập WTO, Thủ đô đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Đó là với yêu cầu phát triển thành một đô thị hiện đại, Hà Nội hiện đang hạn chế về không gian phát triển. So với Thủ đô nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, quy mô kinh tế của Hà Nội còn nhỏ bé với thu nhập bình quân đầu người thấp (khoảng 1.700 USD).

Cũng phải thừa nhận rằng, Hà Nội chưa thực sự đi đầu đột phá trong thay đổi các cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy cán bộ, phát triển kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, do vậy dễ rơi vào thế tụt hậu so với các địa phương khác.

Quy mô, trình độ lực lượng sản xuất thấp, lao động có chuyên môn kỹ thuật còn thiếu và yếu; trình độ khoa học công nghệ, quản lý của doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Các công nghệ mũi nhọn như công nghệ tin học- điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới chưa được phát triển mạnh.

Với lợi thế và những hạn chế trên, quá trình hội nhập đòi hỏi Thủ đô phải tập trung giải quyết tốt những vấn đề về quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp, bảo vệ môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô trong năm 2008 là phấn đấu để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của kế hoạch 5 năm. Tạo tiền đề để Hà Nội thực hiện mục tiêu về đích trước 5 năm, cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 14.

Hà Nội với quyết tâm phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng cao (GDP năm 2008 là 12,5-13%); giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ 11%; công nghiệp và xây dựng 14%, nông lâm thủy sản 1,0%; kim ngạch xuất khẩu tăng 20%; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 18-20%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 19,1%. Hà Nội sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững. Tập trung quyết liệt thực hiện các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, đồng thời chú trọng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường.

Tập trung đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, các loại hình dịch vụ trình độ cao, nâng cao chất lượng: du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông, tài chính-ngân hàng, khoa học công nghệ, đào tạo, y tế, vận tải công cộng, các loại dịch vụ đô thị khác. Thành phố sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các địa điểm du lịch, di tích văn hoá lịch sử, phấn đấu lượng khách du lịch năm 2008 tăng 16%, doanh thu du lịch tăng 18%. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định.

Nguồn: Báo thương mại