Với thực lực vượt trội về nhiều mặt, dạn dày trên thương trường toàn cầu, nhiều năm qua, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng bằng những dự án, chương trình tầm cỡ quốc gia, dài hạn với phương pháp tiến hành bài bản và với đội ngũ chuyên gia cố vấn đẳng cấp quốc tế.
Dự án “Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu tại Việt Nam” (VIE/61/94)
Đây là Dự án do Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Thụy Điển tài trợ, được triển khai từ tháng 6/2004 và đã kết thúc sau 4 năm. Với dự án này, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng:
1. Đề xuất chiến lược phát triển xuất khẩu quốc gia với các thông tin được cập nhật, trên cơ sở chiến lược của Chính phủ, tiềm năng xuất khẩu được đánh giá lại và các chiến lược xuất khẩu ngành cho các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu chọn lọc. Theo đó, hoạt động trong giai đoạn này tập trung vào việc xây dựng chiến lược xuất khẩu ngành (SES) cho các ngành: thủ công mỹ nghệ, rau quả, nhựa và đồ gỗ nội thất, thiết kế và phát triển sản phẩm.
2. Xây dựng một mạng lưới phát triển thương mại hiệu quả, hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu một cách bền vững bao gồm: mạng lưới thương mại; củng cố năng lực hỗ trợ thương mại và phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại, (Bộ Công Thương); nâng cao năng lực hệ thống đại diện thưong mại tại nước ngoài (OTR).
3. Xây dựng năng lực bền vững (năng lực tài chính và năng lực chuyên môn) cho các Tổ chức hỗ trợ thương mại (TSI) chọn lọc để có thể cung cấp các khóa đào tạo và dịch vụ tư vấn cho các TSI và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
4. Xây dựng, nâng cao năng lực thông tin thương mại có hiệu quả đáp ứng nhu cầu của Chính phủ, các TSI và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”
Chính phủ Thụy Sỹ đã tài trợ dự án ODA này, thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017) với cơ quan quản lý chương trình là Bộ Công Thương. Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức quốc gia điều hành. Đây là chương trình tiếp nối Dự án VIE/61/94 nói trên. Chương trình nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của DNNVV thông qua tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ có chất lượng của các tổ chức xúc tiến thương mại và các tổ chức hỗ trợ thương mại ở cấp khu vực và cấp tỉnh. Kết quả: DNNVV sử dụng hiệu quả các dịch vụ phát triển thương mại do mạng lưới hỗ trợ thương mại khu vực cung cấp; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV thúc đẩy xuất khẩu; nâng cao năng lực cho hệ thống xúc tiến thương mại.
Chương trình được triển khai toàn quốc, tập trung vào một số tỉnh/thành phố quan trọng, được lựa chọn căn cứ vào các tiêu chí năng lực hỗ trợ thương mại, tiềm năng phát triển xuất khẩu bền vững và cam kết tham gia chương trình. Ba đầu mối chính được đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Sau khi Hiệp định giữa Chính phủ Thụy Sỹ và Việt Nam được ký kết, chương trình đã được khởi động tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Trong giai đoạn khởi động, Ban quản lý chương trình tiến hành nghiên cứu cơ bản và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác địa phương về cách tiếp cận mới của chương trình (tiếp cận từ dưới lên, xây dựng kế hoạch dựa trên nhu cầu thực tế của đối tượng). Đây cũng là giai đoạn Ban quản lý tập trung xây dựng những ý tưởng chủ đạo cho giai đoạn chính dựa trên những kết quả nghiên cứu của chuyên gia và thu thập ý kiến của địa phương.
Giai đoạn khởi động đã được triển khai và hoàn thành trong 19 tháng (16 tháng thực hiện hoạt động với 3 tháng chuyển tiếp trước khi bắt đầu giai đoạn chính). Trước khi thực hiện giai đoạn chuyển tiếp, đoàn chuyên gia đánh giá độc lập đã tiến hành đánh giá toàn bộ giai đoạn khởi động của chương trình. Giai đoạn chính của chương trình sẽ chính thức bắt đầu từ cuối tháng 3/2015 và sẽ kết thúc vào tháng 5/2017.
Hoạt động đánh giá tiềm năng xuất khẩu đã được Ban quản lý tiến hành từ tháng 12/2013 ở cấp quốc gia và vùng. Qua đó đã hoàn thành 4 báo cáo về tiềm năng xuất khẩu (của quốc gia và từng vùng Bắc - Trung - Nam) cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và dịch vụ. Hội thảo nghiệm thu hoạt động này đã được thực hiện trong năm 2014.
Các sản phẩm tiềm năng được đề xuất cho xuất khẩu trên tầm quốc gia là thủ công mỹ nghệ, dịch vụ… với từng vùng: miền Bắc là chè xanh, quả vải; miền Trung là cá ngừ và hạt tiêu; khu vực Tây Nam bộ là trái cây tươi và cá tra.
Việc đánh giá thể chế tổ chức cũng đã được tiến hành với hai nhóm đối tượng chính là các trung tâm xúc tiến thương mại hay tổ chức hỗ trợ thương mại và các DNNVV, nhằm xác định thực trạng, đánh giá vai trò, nhiệm vụ, năng lực và nguồn lực của từng đối tượng.
Khi các dự án, chương trình kết thúc, một triển vọng mới lại mở ra với Việt Nam và chúng ta cần phải tận dụng cơ hội này chuyển hóa sự hỗ trợ từ EU nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung thành năng lượng của chính mình, nhờ đó, gặt hái thành công trong hành trình hội nhập và phát triển. Trước hết, thành công đó cần được minh chứng trên thương trường EU.
Chương trình “Hỗ trợ xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam vào châu Âu” (Chương trình ECP)
Chương trình do Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI – Hà Lan) hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam tiến hành. Đây là chương trình chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm ra cách tiếp cận chuỗi giá trị trong ngành nguyên liệu thực phẩm và xuất khẩu thành công vào thị trường châu Âu.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm Việt Nam, châu Âu là thị trường hấp dẫn với số dân trên 500 triệu người, hơn thị trường Hoa Kỳ 300 triệu người. Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến thực phẩm Việt Nam vì thực phẩm ở đây được coi là ngon, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, để thâm nhập và đứng vững ở thị trường nguyên liệu thực phẩm châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận đòi hỏi cao và những thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng, đồng thời phải cạnh tranh với những chủng loại tương tự đến từ các thị trường khác có ưu thế hơn. Chương trình này hiện đang được các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguyên liệu thực phẩm kỳ vọng rất nhiều.
Các dự án, chương trình đã và đang triển khai đều mang tính kế thừa theo tinh thần xuyên suốt: EU muốn thông qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thành công ở thị trường châu Âu. Sự giao thoa giữa hỗ trợ của EU và nội lực Việt Nam đã tạo nên nét đặc sắc của các dự án, chương trình, như là một trong những hình thức chuyển giao trí tuệ về năng lực hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, phương pháp tư duy, phân tích, chọn lọc, kỹ năng hành động chuyên nghiệp, hiệu quả. Địa bàn được lựa chọn đều là khu vực phát triển của Việt Nam với những mục tiêu trùng khớp với vấn đề đang đặt ra và hình thức tiến hành phù hợp với điều kiện nước ta.
Nguồn: Báo Công thương điện tử