Ngày 07 tháng 9 năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ phân phối và kiến nghị chính sách cho Việt Nam”. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án MUTRAP và ông Lương Hoàng Thái, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các luật sư, nhà nghiên cứu…, tại các tỉnh phía Nam.

Dịch vụ phân phối có vai trò là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Hàng năm, lĩnh vực này đóng góp khoảng 8% - 15% vào GDP và tạo công ăn việc làm cho khoảng 10% - 20% dân số của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, lĩnh vực phân phối nói chung và lĩnh vực bán lẻ nói riêng đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ chỉ sau hơn 3 năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Là một quốc gia có diện tích trung bình nhưng thị trường Việt Nam lại rất hấp dẫn và nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bởi nhiều lợi thế như: có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao, chính trị ổn định, tầng lớp trung lưu gia tăng, cơ cấu dân số trẻ, v.v… Nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của nước ngoài như Metro Cash & Carry (Đức), Big C của Bourbon (Pháp), Parkson thuộc tập đoàn Lion (Malaysia), Diamond Plaza (Hàn Quốc), Lotte (Hàn Quốc)..., đã có mặt ở Việt Nam. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam liên tục tăng cao qua các thời kỳ: 1996-2000: 10,75%/năm, 2001-2005: 18,3%, 2006-2008: 25%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm 2010 đạt 747,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009. Đồng thời, Việt Nam liên tục được xếp thứ hạng cao về chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI). Có thể nói chưa bao giờ hoạt động phân phối, đặc biệt là hoạt động bán lẻ trên thị trường Việt Nam lại sôi động và phát triển như hiện nay, mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và người tiêu dùng trong nước.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phân phối, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh ngành dịch vụ phân phối, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo đúng cam kết gia nhập WTO. Tuy nhiên, hệ thống quản lý hiện nay vẫn không đủ mạnh, nhất là ở cấp tỉnh, huyện, không tương xứng với sự phát triển của hoạt động thương mại; phân tán chồng chéo cả hệ thống quản lý và tổ chức kiểm soát, lực lượng điều tra còn rất mỏng…, là những nguyên nhân chính khiến cho việc quản lý dịch vụ phân phối và lĩnh vực bán lẻ gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ thực trạng đó, và để lắng nghe các ý kiến đóng góp thiết thực của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên Giai đoạn III (EU – Việt Nam MUTRAP III) đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định về bán lẻ hàng hóa - Kinh nghiệm các nước về quản lý dịch vụ phân phối” tại thành phố Hải Phòng trong 02 ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2010. Tham dự buổi Tọa đàm có các chuyên gia trong và ngoài nước của Dự án MUTRAP, đại diện các Vụ Thị trường trong nước, Kế hoạch, Pháp chế, Chính sách thương mại đa biên, Viện nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành liên quan khác. Đây là tiền đề cho buổi Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ phân phối và kiến nghị chính sách cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và nước ngoài nhằm giúp Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo Nghị định về bán lẻ đạt chất lượng và có ý nghĩa thực tiễn với mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời hình thành những kênh lưu thông ổn định, gắn kết giữa sản xuất và phân phối, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật và tuân thủ đúng các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vưc phân phối.

Đến nay, sau nhiều lần chỉnh sửa, nhóm chuyên gia của Dự án MUTRAP III đã xây dựng bản Dự thảo Nghị định về hoạt động bán lẻ, bước đầu đề cập đến những vấn đề mà nhóm chuyên gia cho rằng thật sự cần thiết cho việc điều chỉnh các mối quan hệ và hành vi của các chủ thể, cần thiết cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ. Theo đó, bản Dự thảo không chỉ quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các thương nhân bán lẻ, các mặt hàng bán lẻ (mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện), các điều kiện đối với cơ sở bán lẻ; v,v...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển đề nghị trong thời gian tới cần phát triển đa dạng hệ thống phân phối, kết hợp các phương thức kinh doanh hiện đại với các phương thức truyền thống được tổ chức văn minh; coi trọng việc mở rộng thị trường nông thôn; tạo ra thị trường cạnh tranh nhưng bảo vệ được các nhà phân phối trong nước, nhất là các nhà phân phối nhỏ lẻ.

Nhiều ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định đã được ghi nhận và các ý kiến này sẽ được cân nhắc để đưa vào bổ sung và hoàn thiện bản Dự thảo Nghị định.

 
Nguồn:moit.gov.vn

Nguồn: Vinanet