Ngày 24/1, Festival mắc ca (macadimia)- một cây trồng mới có giá trị kinh tế cao sẽ lần đầu được tổ chức tại Việt Nam. Festival do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty IDT tổ chức. 

Đây là sự kiện để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng như cộng đồng cùng bàn thảo những hướng đi chiến lược cho việc phát triển cây mắc ca một cách toàn diện ở Việt Nam.

Tiếp theo đó, ngày 6/2/2015 Ban chỉ đạo Tây Nguyên , Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Lâm Đồng cùng Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng sẽ tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”.

Trước đó, Thông tư 05/TT/BKHĐT hướng dẫn Nghị định 2010/2013/NĐ – CP cũng vừa được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, “các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …

Được biết, LienVietPostBank đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho nông dân trồng mắc ca và khá nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử như Công ty CP Vinamacca đã đầu tư rất mạnh cho sản xuất cây giống và trồng cây trong khi doanh nghiệp Donafood lại tập trung cho chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, Công ty IDT International ngoài triển khai trồng 4.000 ha mắc ca tại Điện Biên cũng vừa tung ra thị trường hơn 20 loại sản phẩm chế biến khác nhau từ nhân mắc ca nhập khẩu từ Úc.

Hạt mắc ca được mệnh danh là hoàng hậu của các loại hạt khô, có thể dùng để ăn sống hoặc chế biến thành nhiều loại thực phẩm và mỹ phẩm. Tại Việt Nam, mắc ca đã được trồng khoảng 20 năm, chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên nhưng diện tích vẫn còn hạn chế, khoảng 3.000 hecta. Đây được xem là cây trồng làm giàu của nông dân khi chi phí đầu tư trồng mắc ca thấp hơn cây cà phê và có thể cho lãi từ 510 - 520 triệu đồng/ha/năm trong hơn 60 năm.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Nguồn: Vinanet