Mở rộng thị trường cho xuất khẩu nông thủy sản. Đó là giải pháp mà Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp bàn nhằm tháo gỡ cho xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tổ chức chiều ngày 4/5/2015 tại Hà Nội trước tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2015 sụt giảm mạnh.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2014.
Báo cáo cũng chỉ rõ, nguyên nhân khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh là do nguồn cung từ các nước xuất khẩu dồi dào, tạo cạnh tranh gay gắt trên thị trường; xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu gia tăng, cụ thể là các rào cản thương mại và kỹ thuật, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ngày càng phức tạp; Các mặt hàng nông, thủy sản tiếp tục đối mặt với những vấn đề về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo đó, Bộ Công thương đã đưa ra giải pháp tập trung đàm phán mở rộng thị trường cho xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam, đưa các nội dung về giảm thuế, tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với nhóm hàng này trong quá trình đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Cuộc họp, một số hiệp hội cũng đã đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần thương thảo với phía Trung Quốc để mở thêm các cửa khẩu xuất khẩu nông sản, nhất là rau quả.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay rau quả của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Rau quả là mặt hàng thời vụ nên không tránh khỏi sự biến động của sản lượng hàng năm. Nếu các sản phẩm này chỉ xuất qua một cửa khẩu sẽ nảy sinh ùn ứ hàng hóa, gây thiệt hại cho nông dân và thương nhân. Do đó, đại diện hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương đề xuất Chính phủ thương thảo với phía Trung Quốc mở thêm các cửa khẩu để nông sản Việt Nam dễ thông thương hơn.
Đáp lại đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh cho biết, phần lớn hàng nông sản Việt Nam đều đi qua con đường tiểu ngạch, trong khi hàng năm lượng hàng hóa tăng mạnh dẫn đến tình trạng ùn tắc. Bộ Công thương và các ngành liên quan sẽ bàn đến các phương án thúc đẩy hàng nông sản tiểu ngạch qua biên giới, trong đó có phương án mở rộng thêm cửa khẩu. Song đây là vấn đề nhạy cảm nên sẽ được các ngành cân nhắc, tính toán.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn