Mở toang cánh cửa giao thương với thế giới bên ngoài, không những người dân Myanmar được hưởng lợi, còn là cơ hội cho các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam.

Hội thảo “Hợp tác đầu tư Việt nam - Myanmar” mới diễn ra tại Yangon, Myanmar thu hút hơn 200 nhà đầu tư, các cơ quan chức năng hai nước đến tham dự.

Cơ hội mới

Chủ tịch BIDVIbank/Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư VN sang Myanmar (AVIM) cho biết, tính đến hết tháng 5/2013 AVIM đã có 23 DN VN được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 4 dự án được cấp phép với tổng vốn khoảng 600 triệu USD và 18 dự án đang trong quá trình xin cấp giấy phép với tổng vốn khoảng 600 triệu USD. “Mở đường” là dự án phức hợp “Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre" của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD. Ngày 5/6/2013 dự án đã chính thức nghi lễ động thổ. Dự án có tổng diện tích 8,2 hecta bao gồm các hạng mục: khách sạn quốc tế 5 sao với hơn 400 phòng, Trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và căn hộ dịch vụ cho thuê. Bộ Đầu tư và Du lịch Myanmar đã ghi nhận : cho đến thời điểm này HAGL không chỉ là nhà đầu tư VN đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar.

Chủ tịch HAGL cho biết, theo dự kiến, tiến độ thi công dự án từ 6 - 7 năm. Tuy vậy, một phần của dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2014 và mảng văn phòng cho thuê vào năm 2016. Đây là hai lĩnh vực được xem nóng nhất hiện nay ở Myanmar với giá thuê khoảng 80 USD/m2/tháng; phòng khách sạn khoảng 300 USD/phòng/đêm. Để hoàn thành tiến độ, HAGL đã tập trung nguồn nhân lực thi công 24/24 giờ. Ông Đoàn Nguyên Đức còn cho biết thêm, hiện đã có nhiều đối tác quốc tế quản lý trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ, văn phòng cho thuê đã đặt vấn đề liên kết với HAGL. Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định, dự án này là niềm tự hào của HAGL. Có một “Vina Tower” đầu tiên trên thế giới. Ông Đoàn Nguyên Đức còn nhận định, “tôi tin chắc rằng trong vòng 10 - 15 năm tới sẽ không có dự án tầm cỡ nào tại Myanmar như dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre".
 
Từ thương mại, du lịch

Từ năm 2010 trở lại đây, các DN VN đã tăng cường các hoạt động kinh tế tại Myanmar, tập trung vào 12 lĩnh vực trong tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước vào tháng 4/2010 và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đây là một trong những thuận lợi lớn để thúc đẩy hàng hóa VN vào thị trường này, với hi vọng kim ngạch XK giữa hai nước đạt con số từ 500 đến 700 triệu USD vào năm 2015, đầu tư vào Myanmar đạt 1 đến 1,2 tỉ USD.

Người dân Myanmar đang rất mê hàng hóa VN. Bởi hàng hóa VN sau một thời gian thâm nhập thị trường Myanmar thông qua các hội chợ triển lãm hàng năm, đã được chào đón do có giá, chất lượng, mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường Myanmar. Vì thế kim ngạch XK đã có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2012 tăng trưởng với 32%/năm. Năm 2012 đạt 228 triệu USD và 4 tháng đầu năm 2013 đạt 81 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong năm 2013 kim ngạch thương mại đạt khoảng 300 triệu USD, tăng 30% so với năm 2012.

Myanmar đang kêu gọi và cộng đồng DN quốc tế hướng đến Myanmar coi đây là cơ hội để triển khai các hoạt động kinh doanh, hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho cả hai biên. Như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - “Tôi tin rằng trong tương lai gần Việt Nam - Myanmar sẽ có sự hợp tác kinh tế toàn diện, sâu sắc, đơm hoa kết trái, đem lại lợi ích cho hai nước và cộng đồng DN hai nước.”.

Theo DĐDN

Nguồn: Internet