Giai đoạn 2014- 2015 là thời điểm có rất nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tận dụng được các cơ hội này?

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia nghiên cứu, DN tại hội thảo “Giải pháp xúc tiến thương mại và đầu tư để tận dụng cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015” mới đây tại TP.HCM do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - Bộ Công Thương và Trung tâm WTO tổ chức.

Trong thời gian qua, ASEAN là khu vực đầu tư, thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Tính đến nay, các nhà đầu tư thuộc khu vực ASEAN đã đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành của Việt Nam, với 2.431 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 14,2% số dự án FDI và trên 21,4% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.

Về đầu tư sang các nước ASEAN, tính đến tháng 9/2014, Việt Nam đã đầu tư sang 8 quốc gia ASEAN với 522 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 9,74 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng số dự án và 51,2% vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, với 3 đối tác Lào, Campuchia, Myanmar được coi là ba thị trường tiềm năng nhất trong khối, liên tục tăng cao theo hướng xuất siêu từ phía các DN Việt Nam. DN Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, nông nghiệp, gỗ, khoáng sản từ các thị trường này để sản xuất.

Ông Nguyễn Duy Kiên - Đại diện Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường Campuchia, Lào và Myanmar về giá cả và chất lượng, đặc biệt là cơ hội tiềm năng khi đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, phân phối, tài chính, sản xuất chế biến…

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2015, nhiều mặt hàng liên thông trong khối ASEAN sẽ có thuế giảm dần về 0%, đây vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức cho các DN và nhà quản lý. Nếu chuẩn bị tốt, các DN trong nước sẽ có nhiều cơ hội xâm nhập thị trường các nước trong khối và giữ vững thị trường nội địa; còn không chuẩn bị tốt DN Việt sẽ mất cơ hội đầu tư phát triển ra nước ngoài, đồng thời có thể mất cả thị trường trong nước. 

AEC còn nhiều thách thức phía trước để hình thành vào cuối năm 2015 và chuyển sang giai đoạn thực thi, trong đó các nước thành viên ASEAN luôn phải nỗ lực phấn đấu để AEC trở thành một cộng đồng kinh tế thực sự hội nhập.

Theo lộ trình hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ được thành lập vào ngày 31/12/2015. Việc tham gia vào AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội thách thức và phát triển kinh tế của Việt Nam. Đó là cơ hội sản xuất quy mô với thị trường 600 triệu dân, GDP 3000 tỷ USD, cơ hội khai thác tiềm năng khu vực về tài nguyên và lao động. Với vai trò trung tâm của ASEAN, AEC là công cụ hiệu quả để hội nhập sâu sắc và toàn diện vào các nền kinh tế toàn cầu, đồng thời hỗ trợ phát triển cân bằng thông qua chiến lược phát triển doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách giữ các quốc gia thành viên.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn