Theo tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),  trong những tháng cuối năm, số lượng các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tăng đột biến, riêng chi nhánh của VCCI tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp trên 5 đoàn mỗi tháng.

Phòng Giao dịch Quốc tế của VCCI cho biết, chiếm phần lớn trong số này là doanh nghiệp đến từ các nước Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có từ những quốc gia có nhiều doanh nghiệp làm ăn thành công tại Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và những bạn hàng lớn lâu năm như Trung Quốc, Australia, Malaysia.

Các doanh nghiệp này phần lớn tìm kiếm cơ hội cho việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến thực phẩm, mở trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản... Đây cũng là khu vực tiếp tục được đánh giá cao về tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong tương lai do có vị trí địa lý thuận lợi và sự tương đồng về văn hóa.

Những đoàn doanh nghiệp đến từ một số nước châu Phi, Anh, Italy Hà Lan, Thụy Điển và Mỹ đến Việt Nam chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng, công nghệ đóng tàu. Không chỉ tìm kiếm cơ hội và đối tác đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp này còn dành thời gian cho việc đàm phán những hợp đồng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản, hàng gia dụng, công nghệ thông tin, đồ mỹ nghệ.

Chủ tịch Phòng Ngoại thương Italia (ICE) Umberto Vattani, người đang tham gia đoàn doanh nghiệp Italy tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác tại Việt Nam, từ 4 đến 7/11/2008, cho rằng việc Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị trí ở châu Á và hòa nhập tích cực vào dòng chảy kinh tế và thương mại toàn cầu, cùng với nhiều tiềm năng chưa được khai thác, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Italy.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, tỷ lệ mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam cao nhất thế giới với 92,6% số công ty sản xuất và 88% số công ty phi sản xuất.

Báo cáo môi trường kinh doanh 2008 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố cũng xếp Việt Nam thứ 91/178 về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, tăng 3 bậc so với năm 2007 và 13 bậc so với năm 2006.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á về dài hạn và đang tiếp tục hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Riêng 10 tháng đầu năm nay, đã có thêm 58,3 tỷ USD của 953 dự án được cấp phép, trong đó, ngày càng nhiều dự án quy mô vốn lớn.

Sự cải thiện tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh là kết quả của những nỗ lực từ phía Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong việc thực thi luật pháp, cải cách hành chính, thường xuyên đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức nổi cộm mà Việt Nam đang phải đối mặt để tiếp tục thu hút đầu tư là sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao và thủ tục hành chính còn phức tạp.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam