Sau 9 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ở nhiều khía cạnh, XK thủy sản Việt Nam đã đạt được mục tiêu là gia tăng kim ngạch XK, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ở cột mốc năm 2015 này, khi Việt nam sẽ hoàn tất các thủ tục để tham gia Hiệp định Thương mại tự do với thị trường EU, Hàn Quốc, với Liên minh hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan (FTA) và Hiệp định Thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì DN XK thủy sản Việt Nam sẽ phải đứng trước những thách thức, rào cản lớn hơn nữa bên cạnh sự hưởng lợi thế lợi nhất về việc ưu đãi thuế.

Cơ hội lớn

Năm 2014, tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam đạt 7,84 triệu USD, tăng 16,5% so với năm 2013. Trong đó, 4 thị trường XK lớn và trọng điểm là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tới 64,4% tổng giá trị XK. Vì thế, sự tham gia của 4 đối tác kinh tế quan trọng trên vào các hiệp định thương mại sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội lớn cho XK thủy sản Việt Nam trong năm nay.

Các nước thành viên tham gia TPP sẽ được giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và cắt giảm bằng 0% năm 2015. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho các DN XK hải sản, đặc biệt là DN XK cá ngừ sang thị trường Nhật Bản bởi trong nhiều năm trước đây thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.

Theo Bộ Công Thương, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) (Hiệp định VCUFTA) đi vào thực thi, phía Liên minh Hải quan, thủy sản là nhóm hàng sẽ được hưởng ưu đãi thuế ngay lập tức từ khi Hiệp định được kí kết có hiệu lực. Thêm nữa, ngoài lợi ích từ thuế thì Hiệp định còn đem lại một loạt các thỏa thuận thương mại nữa về kiểm tra chất lượng ATTP, kiểm dịch sản phẩm (SPS). Hàng rào kỹ thuật này đã thống nhất nhiều nguyên tắc minh bạch, đúng với thông lệ quốc tế. Với những quy tắc như thế, các DN XK cá tra sẽ tránh được rất nhiều rủi ro về các yêu cầu an toàn thực phẩm XK. Đây là thị trường XK khá quan trọng của các DN XK cá tra, hải sản.

Sau lệnh cấm NK thủy sản đối với thủy sản từ EU, Mỹ, Na Uy, Australia kéo dài từ tháng 8/2014 đến tháng 7/2015, lượng NK thủy sản của Nga giảm. Để bù đắp cho thiếu hụt này, năm 2015 sẽ là cơ hội cho DN XK thủy sản Việt Nam sang Liên minh Hải quan. Tính đến nay, có 23 nhà máy, xí nghiệp chế biến XK thủy sản được phép XK sang thị trường này.

Việc ký hiệp định FTA và TPP sẽ là cơ hội cho DN thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường. DN có thể NK nguyên liệu từ các nước để gia công, chế biến XK sang EU và các nước tham gia TPP. Trung Quốc hiện đang đứng đầu về gia công thủy sản cho các nước, nhưng hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác có điều kiện sản xuất và lao động thuận lợi hơn. Vì vậy, đây có thể là cơ hội để các nhà kinh doanh và NK thủy sản từ Mỹ, Nhật Bản, EU lựa chọn Việt Nam để đầu tư.

Ngoài ra, đây sẽ là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất giá rẻ hơn như vận tải, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu vật tư, trang thiết bị; là cơ hội tăng cường hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi sản xuất hàng giá trị gia tăng…

Thách thức cao

Quy tắc xuất xứ: Để được hưởng ưu đãi thương mại, hàng hóa giao dịch trong khu vực FTA nhìn chung phải đáp ứng các quy tắc về xuất xứ. Quy tắc xuất xứ có ý nghĩa quan trọng, thường phức tạp, và trong hầu hết các trường hợp là một phần không thể thiếu trong mọi cuộc đàm phán FTA. Về cơ bản, chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một FTA mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó. Tùy vào nhà XK và nhà NK thuộc quốc gia nào mà FTA nào được áp dụng. Các DN XK sản phẩm sang những nước khác nhau phải hiểu rõ và tuân thủ những quy tắc này. Tuy nhiên nhiều DN Việt Nam không nắm bắt được các ưu đãi của FTA vì tính phức tạp và số lượng lớn quy tắc khiến các DN ngần ngại. Do vậy, thực tế đến nay, các DN Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ FTA và đang bỏ phí 70% cơ hội.

Rào cản kỹ thuật: Với việc tự do hóa thương mại, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa hoặc hạn chế NK. Những rào cản như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh…đang và sẽ được tăng cường áp dụng.

Sự bảo hộ thương mại: Sự cạnh tranh về giá cũng chính là “mối nguy” đối với sản phẩm cá thịt trắng hay sản phẩm thủy sản tại một số nước, trong đó có Mỹ. Do đó, nước NK sẽ sử dụng một số rào cản mang tính chất bảo hộ như quy định về yêu cầu dán nhãn sản phẩm “an toàn cá heo” của tổ chức Ell đối với sản phẩm cá ngừ tiếp tục là rào cản đối với DN XK cá ngừ và thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm, cá tra Việt Nam.

Chịu cạnh tranh mạnh mẽ: Tham gia vào các hiệp định thương mại đồng nghĩa với việc mở cửa và hội nhập hơn nữa vào tất cả các thị trường. Mặc dù, Chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi nhằm tạo cơ hội và điều kiện tối đa cho DN nhưng việc tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính cần thời gian. Đây cũng chính là những rào cản không nhỏ đang giảm sức cạnh tranh của các DN XK thủy sản tại các thị trường NK lớn. Hiện nay, với những ưu đãi về thuế NK nguyên liệu, một số nước đối thủ cạnh canh như: Trung Quốc hay Thái Lan đang hay các nguồn cung lớn khác như: Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… đang khiến DN thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh để giành được thị phần.

Thách thức về vấn đề lao động: Thủy sản là ngành cần lực lượng lao động lớn. Tuy nhiên, vi thực trạng lao động ngành thủy sản không ổn định, thì các quy định chặt chẽ về lao động từ FTA sẽ tăng thêm thách thức cho DN chế biến thủy sản. Vấn đề an toàn lao động, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao động, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong hiệp định này sẽ tạo ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp khi tham gia vào các chuỗi cung ứng XK, vì nếu vi phạm, có thể bị điều tra, bị kiện và bị phạt. iệc đưa các tiêu chuẩn lao động vào các FTA thế hệ mới bao hàm các thách thức và cơ hội. Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa để nâng cao năng lực, để hội nhập tốt hơn.

Nguồn: vasep.com.vn

Nguồn: Vasep