Ca-ta là một quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới 3 năm gần đây (năm 2012 khoảng 106.000 USD). Tương tự như một số quốc gia khác trong khu vực vùng Vịnh, quốc gia này đang đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển hiện nay.
Đó là thực trạng dân số tăng nhanh, nhu cầu về tiêu thụ thực phẩm ngày càng gia tăng, nguồn cung thực phẩm phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu (khoảng 95%), thiếu hụt nguồn nước sạch ổn định và lâu dài (lượng mưa trung bình của Ca-ta khoảng 80 mm mỗi năm), cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, các dự án nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp vẫn còn thiếu…

Năm 2012, quốc gia này sử dụng 961 triệu USD cho việc nhập khẩu thực phẩm (trong khi kim ngạch nhập khẩu của Ca-ta 2012 là 23,5 tỷ USD. Theo dự báo nhu cầu nhập khẩu thực phẩm của nước này tăng khoảng 15% năm 2013 và tăng trưởng mạnh khoảng 153% đạt 3,3 tỷ USD trong 10 năm tới do lực lượng lao động nước ngoài tăng nhanh để phục vụ cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ khi Ca-ta là chủ nhà của Olimpic 2020 và World Cup 2022.

Nhằm tăng cường quản lý và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và tiến tới đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, cơ quan an ninh lương thực quốc gia của Ca-ta (Qatar National Food Security Program-QNFSP) cơ quan điều phối các chương trình phát triển nguồn lương thực quốc gia của Ca-ta đã có nhiều chương trình và thực hiện các dự án đầu tư của quốc gia trong thời gia tới. Thông qua quỹ đầu tư Hassad Food, quỹ đầu tư chính của Ca-ta trong lĩnh vực nông nghiệp quản lý nguồn vốn đầu tư trị giá 140 tỷ USD đã thực hiện một số dự án trong nông nghiệp để đảm bảo nguồn an ninh lương thực cho quốc gia. Đó là các dự án mua đất nông nghiệp tại Châu Phi (Su-đăng), Châu Úc, Châu Á (Trung Quốc), Khu vực Đông Nam Á (Ma-lay-si-a). Hiện tại Ca-ta đang thực hiện xây dựng tại Ma-lay-si-a một khu liên hiệp sản xuất công nghiệp (Industrial Zone) trị giá khoảng 3 tỷ USD để sản xuất và cung cấp thực phẩm (theo tiêu chuẩn Halal cho người Hồi giáo), sản xuất và cung cấp dược phẩm, sắt thép và các sản phẩm công nghiệp khác để cung cấp cho Ca-ta trong thời gian tới.

Việc Ca-ta tăng cường mở rộng đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành lương thực thực phẩm cũng như trong các lĩnh vực nông nghiệp khác là cơ hội đối với các quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp của Ca-ta chắc chắn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới do vậy các doanh nghiệp cần chủ động tích cực tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại quốc gia vùng Vịnh giàu có này.

(Vụ Thị trường, Châu Phi, Tây Á, Nam Á)

Nguồn: Internet