(VINANET) Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 10 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng 25,56% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá trên 1,25 tỷ USD.

Chủng loại hàng hóa xuất khẩu phần lớn là hàng công nghiệp và nguyên liệu sản xuất sản phẩm công nghiệp; trong đó đứng đầu về kim ngạch là nhóm hàng điện thoại và linh kiện chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch, với 585,43 triệu USD, đạt mức tăng trưởng 55,33% so với cùng kỳ năm ngoái; nhóm hàng đứng thứ 2 về kim ngạch là xơ sợi dệt chiếm 16,21%, đạt 203,23 triệu USD, sụt giảm 23,54% so cùng kỳ. 

Tiếp sau đó là các nhóm hàng: máy vi tính, điện tử 95,65 triệu USD, hàng dệt may 57,06 triệu USD, máy móc thiết bị 40,79 triệu USD, cao su 29,68 triệu USD, giày dép 25,76 triệu USD.

Các nhóm hàng đạt mức tăng trưởng khá về kim ngạch trong 10 tháng gồm có: Phương tiện vận tải và phụ tùng (+132,37%), gỗ và sản phẩm gỗ (+73,64%), điện thoại các loại và linh kiện (+55,33%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (+52,34%).

Ngược lại, các nhóm hàng sụt giảm mạnh về kim ngạch gồm có: Chất dẻo nguyên liệu (-44,27%), sản phẩm từ cao su (-42,27%), sắt thép (-36,44%), gạo (-32,75%).

Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm có nhu cầu nhập khẩu trên 10 tỷ USD nhóm hàng nguyên liệu nhựa để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu nhựa của nước này. Nguyên liệu nhựa xuất sang thị trường này 10 tháng mới đạt trên 6 triệu USD, sụt giảm 44,27% so với cùng kỳ.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), do có lợi thế về sự ra đời muộn, sử dụng công nghệ tân tiến, nên sản phẩm nhựa của Thổ Nhĩ Kỳ khá đa dạng, được dùng trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp ôtô, đóng gói, dẫn nước, đồ dùng nhà bếp, trong nhà… đáp ứng được nhu cầu nội địa và quốc tế về chất lượng. Song, việc sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu sản xuất và xuất khẩu (trong đó có đến 60% nhựa nguyên liệu được sản xuất trong nước dành cho xuất khẩu), còn lại phải nhập khẩu.

Cục Xuất Nhập khẩu cho biết thêm, là quốc gia có dân số lên đến trên 75,6 triệu người, nền công nghiệp phát triển nên nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng nhựa ở Thổ Nhĩ Kỳ rất cao. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu nội địa không đủ để đáp ứng được, Đây chính là cơ hội đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp nguyên liệu nhựa của Việt Nam.

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu nhóm hàng nhựa từ trên 100 quốc gia trên thế giới, trong đó 63% nhập khẩu từ Saudi Arabia, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây  Ban Nha, Italy, Pháp và Mỹ và Việt Nam.

Tuy có mức tăng trưởng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nguyên liệu nhựa của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp và chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, trên 0,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác…

Thống kê của Tổng cục Hải quan về xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 10 tháng năm 2014. ĐVT: USD

Mặt hàng

 10T/2014 

 10T/2013

10T/2014 so cùng kỳ(%) 

Tổng kim ngạch

       1.253.569.829

       998.350.614

+25,56

Điện thoại các loại và linh kiện       

           585.428.282

        376.905.217

+55,33

Xơ sợi dệt các loại

           203.226.788

        265.778.636

-23,54

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

             95.654.869

          62.788.458

+52,34

Hàng dệt may

            57.064.833

          53.662.229

+6,34

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng

             40.792.014

          32.147.881

+26,89

Cao su

             29.679.730

          31.058.975

-4,44

Giày dép

             25.761.115

          20.620.459

+24,93

Gỗ và sản phẩm gỗ

             15.870.431

            9.139.982

+73,64

Phương tiện vận tải và phụ tùng

             13.347.967

            5.744.353

+132,37

Sản phẩm từ chất dẻo

               9.440.207

            7.276.959

+29,73

Hạt tiêu

               9.368.524

            7.760.030

+20,73

Sắt thép

               6.124.402

            9.634.931

-36,44

Hàng thuỷ sản

               6.060.431

            4.567.177

+32,70

Chất dẻo nguyên liệu

               6.013.738

          10.790.145

-44,27

Nguyên phụ liệu dệt may da giày

               3.960.354

            5.810.702

-31,84

Sản phẩm từ cao su

               2.189.975

            3.793.476

-42,27

Gạo

               1.848.563

            2.748.713

-32,75

Chè

               1.178.155

            1.392.645

-15,40

 Thủy Chung

Nguồn: Vinanet

Nguồn: Vinanet