Việt Nam có thể xuất khẩu vải thiều tươi sang Mỹ và Australia. Cả hai thị trường khó tính này đều đòi hỏi vải thiều phải qua kiểm dịch gắt gao là phương pháp chiếu xạ.
Ngày 15/5, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết: Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chấp thuận kết quả xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ cho quả vải thiểu của Việt Nam. Với kết quả này, vải thiều Việt Nam đã đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ và Australia từ vụ vải này.
Tháng 10/2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mới đây, tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp Australia cũng đã đồng ý nhập vải thiều từ Việt Nam. Như vậy, Việt Nam có thể xuất khẩu vải thiều tươi sang Mỹ và Australia. Cả hai thị trường khó tính này đều đòi hỏi vải thiều phải qua kiểm dịch gắt gao là phương pháp chiếu xạ.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, có được kết quả chấp thuận sớm từ phía Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp Mỹ sớm như vậy là do các đơn vị chức năng đã tranh thủ nguồn vải thiều sớm để xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ.
Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu vải thiều sang Mỹ và Australia và để đáp ứng các điều kiện của hai nước này, vụ vải thiều năm nay, các đơn vị chức năng đã cấp được 6 mã số các vùng sản xuất vải thiều ở Bắc Giang và 2 mã số cho Hải Dương.
Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chúng ta không kỳ vọng sẽ xuất khẩu được với khối lượng lớn mà kỳ vọng trước hết là phải xuất khẩu được và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Mỹ và Australia. Đây là bước đột phá quan trọng và khẳng định rằng với các giải pháp về mặt kỹ thuật của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Khi xuất khẩu được và đáp ứng được các yêu cầu của hai thị trường khó tính này, thì việc xuất khẩu và đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của các thị trường khác cũng dễ dàng hơn. Những lô đầu tiên xuất khẩu được sẽ là động lực rất lớn cho người dân trồng vải, là sự nỗ lực phấn đấu của cả Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương trồng loại quả này.
Tuy nhiên, miền Bắc hiện chưa có nhà máy chiếu xạ nên trước mắt, vụ vải này, vải thiều sẽ phải chuyển vào phía Nam để thực hiện công tác chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang Mỹ, Australia. Công đoạn, phương thức vận chuyển từ phía Bắc vào phía Nam thì đã được các doanh nghiệp làm rất tốt trong vụ vải năm 2014 với hơn 60% lượng vải đã được tiêu thụ ở phía Nam. Cùng với đó, lượng vải vừa được vào Nam để xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ với kết quả là đã được phía Mỹ chấp nhận.
Theo ông Hoàng Trung, vụ vải năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát và đặc biệt cho sự chủ động, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với Trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội để nâng cấp Trung tâm chiếu xạ này. Bộ Khoa học công nghệ cũng đã đầu tư nâng cấp phần chiếu xạ, bổ sung các kho lạnh và các trang thiết bị khác. Dự kiến, đến cuối năm 2015, Trung tâm chiếu xạ này sẽ đủ điều kiện chiếu xạ các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và Australia. Ngay sau khi hoàn thành nhà máy chiếu xạ này, Cục Bảo vệ thực vật sẽ mời các chuyên gia của Mỹ, Australia vào kiểm tra, đánh giá. Sau khi kiểm tra đánh giá, nhà máy chiếu xạ mới đủ điều kiện để xuất khẩu quả vải hay các loại hoa quả khác cần chiếu xạ sang Mỹ và Australia.
Ngoài ra, ông Hoàng Trung cũng cho biết, Việt Nam cũng đã nhập công nghệ bảo quản của Nhật Bản là công nghệ CAS (Cells Alive System). Hiện nay công nghệ này đã được dùng để xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đang đàm phán thêm để có thể áp dụng công nghệ này để xuất khẩu vải tươi hay quả nhãn sang Mỹ và Astralia.
Nguồn: TTXVN