(VINANET)-Năm 2013, thương mại giữa Việt Nam và Na Uy đạt kim ngạch trên 121 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy đạt 109,5 triệu USD và nhập khẩu từ Na Uy 13,4 triệu USD. Sang năm 2014, cụ thể là hai tháng đầu năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 38 triệu USD, trong đó Việt Nam, tăng 15,1% so với hai tháng năm 2013. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy là 18 triệu USD, giảm 10% và nhập khẩu 20,2 triệu USD, tăng 50,43% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy các mặt hàng như hạt điều, sắn, gỗ và sản phẩm, túi xách ví, vali mũ và ô dù, dệt may, giày dép…. ngược lại Việt Nam lại nhập khẩu từ Na Uy các mặt hàng như: hàng thủy sản, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép, phân bón, sản phẩm hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo. Trong số các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Na Uy trong hai tháng đầu năm nay thì hàng thủy sản có kim ngạch nhập cao nhất, chiếm 45% thị phần, đạt kim ngạch 9,1 triệu USD, tăng 11,3%; đứng thứ hai là máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 triệu USD, tăng 194,98%; tuy đứng thứ 3 về kim ngạch nhập khẩu, nhưng nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 515,79% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 942 nghìn USD.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về tình hình nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Na Uy 2 tháng năm 2014 – ĐVT: USD

 
KNNK 2T/2014
KNNK 2T/2013
% so sánh
tổng KN
20.283.957
13.483.763
50,43
Hàng thủy sản
9.130.644
8.203.775
11,30
máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác
3.208.479
1.087.690
194,98
sản phẩm từ sắt thép
942.093
152.990
515,79
phân bón các loại
808.174
2.166.312
-62,69
sản phẩm hóa chất
533.571
395.437
34,93
thức ăn gia súc và nguyên liệu
142.102
32.240
340,76
sản phẩm từ chất dẻo
25.074
 
*

Vừa qua, nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thái tử kế vị Na Uy Haakon và Công nương Mette-Marit đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-21/3/2014.

Chuyến thăm đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Na Uy năm 2004 và 200 năm Quốc khánh Na Uy (1814 - 2014).

Thông tin từ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho biết, thành phần tháp tùng chuyến thăm của hoàng thái tử Na Uy Haakon và công nương Mette-Marit tới Việt Nam từ ngày 18-21/3 là một đoàn doanh nghiệp hùng hậu. Đây là cơ hội thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế còn nhiều tiềm năng như đóng tàu, hàng hải, năng lượng sạch....

Ông Ole Henaes, Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho biết, mối quan tâm chính của các doanh nghiệp Na Uy là ngành hàng hải Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực đóng tàu và vận tải biển.

Theo ông Ole Henaes, vài năm trở lại đây, Việt Nam tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư Na Uy trong lĩnh vực hàng hải, bởi họ nhìn thấy các sản phẩm trong lĩnh vực này của Việt Nam có khả năng cạnh tranh không chỉ ở nội địa mà còn vươn ra toàn cầu. Do đó, đã có rất nhiều doanh nghiệp uy tín của Na Uy đã quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Gần đây nhất, Vinomarine- một công ty lớn trong lĩnh vực đóng tàu của Na Uy- đã thành lập văn phòng đại diện tại Hải Phòng. Một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này cũng đang hoạt động rất tốt tại Việt Nam.

Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy hải sản cũng đang đạt những bước phát triển tích cực. Cụ thể, Công ty PHARMAQ của Na Uy đang hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam với vai trò tư vấn và cung cấp các sản phẩm kiểm soát dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là các loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tiềm năng cũng như cơ hội phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai được đánh giá rất cao, bởi các nước khối EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ) đã khởi động đàm phán FTA với Việt Nam và công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Dự kiến, FTA này sẽ sớm đi đến ký kết trong năm 2014. Đây sẽ là một “công cụ” thúc đẩy một bước tiến dài giúp khơi thông dòng chảy thương mại giữa hai nước và tăng cường các cơ hội thương mại giữa Na Uy và Việt Nam nhờ việc giảm thuế quan và gỡ bỏ các rào cản thương mại.

Được biết, trong chuyến thăm chính thức này của hoàng thái tử Na Uy Haakon và công nương Mette-Marit tới Việt Nam, sẽ có một số hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/ Báo Công thương điện tử

Nguồn: Vinanet