Các chuyên gia lĩnh vực hàng trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) từ Nhật Bản cho biết, hàng TCMN Việt Nam còn rất nhiều cơ hội ở thị trường Nhật. Điều cản trở là DN TCMN Việt Nam chưa nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người Nhật sau thảm họa động đất, sóng thần…

Ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia hàng trang trí nội thất Công ty AJC (The sense of Life) tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng TCMN có giá trị gia tăng cao của Việt Nam sang Nhật” tổ chức mới đây tại TP.HCM cho biết, sau thảm họa động đất, xu hướng tiêu dùng của người dân Nhật tăng nhiều ở các “sản phẩm hỗ trợ”.

Ngày nay, người dân Nhật bỏ tiền ra mua hàng TCMN, hàng trang trí nội thất không chỉ vì công dụng của sản phẩm mà còn kèm theo ý nghĩa của sản phẩm, bối cảnh sản xuất ra sản phẩm hay tính đạo nghĩa mà sản phẩm đó mang lại. Bà Sigeri Mochizuki thuộc phòng kinh doanh Công ty Keio Department Store Co..Ltd (Nhật) cũng cho rằng, ngày nay, người Nhật ưa thích các sản phẩm không chỉ thuần mang ý nghĩa sử dụng mà còn mang ý nghĩa thưởng thức và làm cho cuộc sống của họ trở nên thú vị hơn, như các loại đèn trang trí làm từ nguyên liệu mây tre lá mang phong cách thiên nhiên với hình dáng các loại hoa quả hay các con vật nuôi ngộ nghĩnh.

Bên cạnh đó, một thế hệ tiêu dùng mới được gọi là ‘Ouchi-zoku’ đang ngày càng tăng nhu cầu về sản phẩm TCMN, hàng trang trí nội thất. Ouchi-zoku là những người thích ở nhà trong thời gian rảnh rỗi. Đối tượng này ở Nhật ngày càng tăng, chủ yếu là phụ nữ trẻ chưa lập gia đình. Họ thích các sản phẩm TCMN giá cả hợp lý nhưng có thiết kế tinh tế và thường xuyên mua các sản phẩm TCMN làm quà tặng để duy trì các mối quan hệ, không nhất thiết phải đúng vào các dịp tặng quà truyền thống. Theo bà Sigeri Mochizuki, doanh số các sản phẩm dành cho họ, trong đó có hàng TCMN, ngày càng tăng.

Xu hướng tiêu dùng hàng TCMN của người Nhật hiện cũng tập trung vào 3 yếu tố: Sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, sử dụng phương pháp gì để sản xuất, sản phẩm thể hiện tính truyền thống, xã hội như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 quan trọng nhất đối với hàng TCMN bởi đòi hỏi sản phẩm phải luôn có hồn, thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và nét độc đáo riêng nơi họ sản xuất.

Ngày nay, người Nhật cũng rất nhạy cảm với giá tiêu dùng hàng ngày. Đối tượng mua hàng TCMN chủ yếu là phụ nữ, các bà nội trợ, họ rất quan tâm đến sự thay đổi về giá, mẫu mã hàng hoá và dùng sản phẩm theo mùa vụ nên thích chu kỳ sống của một sản phẩm ngắn.

Như thế, theo các chuyên gia Nhật, sản phẩm TCMN Việt Nam có nhiều điều kiện thích ứng với nhu cầu mới, xu hướng tiêu dùng mới của thị trường Nhật. Bà Sigeri Mochizuki cho biết, sản phẩm TCMN Việt Nam được làm từ đội ngũ công nhân có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, sự lành nghề thấy rõ trong rất nhiều sản phẩm như tranh thêu tay…; điểm mạnh của nghệ nhân Việt Nam là có bàn tay khéo léo và biết bảo vệ những sản phẩm truyền thống. Sản phẩm TCMN Việt Nam có ưu thế giá không cao do chi phí thấp, tương đối phong phú, đa dạng. Rất nhiều hàng TCMN Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt cho các nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong xu hướng tiêu dùng mới, hàng TCMN Việt Nam chưa thể hiện rõ thông tin xã hội, thông tin truyền thống liên quan đến sản phẩm. Đó là các thông tin liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu không xâm hại môi trường (mây, tre, lá…), thông tin liên quan đến phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công từ bàn tay của người lao động, nông dân lúc nông nhàn, một nghề được xem là để xoá đói giảm nghèo, đôi khi từ bàn tay của những phụ nữ có cuộc đời bất hạnh… Đây là những yếu tố xã hội tác động tích cực lên xu hướng mua sắm hàng trang trí nội thất, hàng TCMN của người dân Nhật hiện nay - ‘sản phẩm hỗ trợ’. Bên cạnh đó, theo bà Sigeri Mochizuki, hàng TCMN Việt Nam vẫn còn nghèo nàn về kiểu dáng, nhiều nghệ nhân chưa có ý thức làm thị trường, chưa mạnh dạn khai thác các sản phẩm mới và thường trang trí quá nhiều màu sắc rực rỡ.

Khi hội đủ các yếu tố trên, để thuận tiện xâm nhập vào thị trường Nhật, theo các chuyên gia Nhật Bản, các DN trong từng vùng nên liên kết lại để tạo ra một thương hiệu riêng của vùng về hàng TCMN. Ông Hiroshi Sakamoto dẫn dụ, các DN TCMN tại TP.HCM có thể liên kết thành một cụm sản phẩm TCMN mang thương hiệu thành phố rồi xuất sang Nhật. Như thế sẽ khẳng định được thương hiệu, hiệu quả XTTM sẽ tăng và dễ dàng xâm nhập được vào các hệ thống phân phối hàng TCMN của Nhật. Ngoài ra, chính sách sản xuất các sản phẩm độc nhất, chất lượng là một lựa chọn khôn ngoan trong thời điểm hiện nay tại thị trường Nhật. Vì nếu sản xuất dựa trên số lượng lớn, đại trà sớm muộn cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc.  

Ông Hiroshi Sakamoto cũng cho rằng, ngành hàng TCMN Việt Nam cần có trung tâm tư vấn thiết kế mẫu mã để hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ đang yếu năng lực thiết kế. Một điều cũng quan trọng nữa là DN phải nắm rõ kênh phân phối hợp lý để sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu các tầng lớp tiêu dùng khác nhau của thị trường Nhật./.

(Nguồn: VEN)

Nguồn: Vinanet