Đến hết quí III/2014 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 109,63 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến hết quý III, kim ngạch xuất khẩu trong khu vực kinh tế trong nước đạt 36,63 tỷ USD, tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73 tỷ USD, tăng 14,1% . Với mức tăng trưởng này, dự báo dệt may và điện thoại sẽ là 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt mức 20 tỷ USD của năm 2014.

Nhận định về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: Trong tháng 9, do lượng tờ khai xuất khẩu hải quan bị ảnh hưởng bởi số ngày nghỉ lễ trong tháng nên tình hình xuất khẩu hàng hóa gặp đôi chút khó khăn. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 12,4 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến vẫn giữ đà tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó, sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản cũng có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung, nhất là thủy sản, rau quả, hạt tiêu, nhân điều và cà phê tăng trưởng mạnh, đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2014. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu của 4 mặt hàng này tăng xấp xỉ 25%, riêng rau quả tăng 42,7% so với cùng kỳ.


Về thị trường xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu sang các thị trường mới như châu Phi, châu Mỹ La tinh, Caribe đều có mức tăng trưởng khá cao. Điều đáng mừng là ở các thị trường mới như châu Phi, châu Mỹ La tinh, vùng Caribe, dù kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng không quá lớn trong tổng kim ngạch chung nhưng con số tăng trưởng của các thị trường này so với cùng kỳ lại rất khả quan. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước thuộc khu vực châu Phi đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ, trong đó khu vực Bắc Phi đạt 466 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Các nước trong nhóm này là Ai Cập và Algieri đều đạt mức tăng trưởng trên 50%.


Theo Thương vụ Việt Nam tại khu vực này, hiện các nước châu Phi đang trên đà phát triển, do vậy, nhu cầu về nông sản, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại các loại và phương tiện vận tải rất cao. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, những mặt hàng xuất khẩu chính sang châu Phi có kim ngạch tăng chủ yếu là hàng công nghiệp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, giày dép, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng. Ngoài ra còn có nhóm hàng thủy sản, cà phê, hạt tiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Bên cạnh thị trường châu Phi, các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 25,22 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Riêng với thị trường Chile đã đạt 354 triệu USD, tăng đến 132,9% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này đạt được do những tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết giữa hai nước vừa chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2014. Trước đó, vào tháng 7/2014, KNXK của Việt Nam sang Chile đạt trên 250 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chile đạt 203 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Con số xuất nhập khẩu này đã đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí xuất siêu, chấm dứt một giai đoạn dài nhập siêu từ Chile.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới chưa đạt kết quả cao nhưng với con số tăng trưởng khả quan cho thấy, mục tiêu đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, trong quý IV là thời điểm tập trung các đơn hàng, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng những hợp đồng đã ký từ trước nên kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tăng mạnh hơn những quý còn lại trong năm. Dự báo của Bộ Công Thương, nếu không có yếu tố đột biến, khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2013 và tăng 10% do Quốc hội đề ra. Điều này thể hiện sự nỗ lực từ Bộ ngành, doanh nghiệp và cả sự tăng trưởng từ những thị trường mới.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam