Phiên tư vấn là sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, nhằm kịp thời cung cấp thông tin và các cơ hội thị trường, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển xuất khẩu thực tiễn, tư vấn giải pháp thâm nhập thị trường Ma-rốc cho doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Việt Phương – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc, đây là một trong những quốc gia có nền an ninh chính trị và xã hội ổn định vào bậc nhất khu vực Châu Phi. Việt Nam và Ma-rốc có mối quan hệ từ lâu và đang ngày càng được củng cố và phát triển.
Ma-rốc có vị trí địa lý thuận lợi, gần Châu Âu và nằm trên tuyến giao thương nối Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, có khả năng trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Châu Phi (AfCFTA) được ký kết vào tháng 3/2018, có hiệu lực từ 01/01/2021, đưa Châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập. Đây sẽ là yếu tố thuận lợi để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Ma-rốc và từ đó mở rộng tiếp cận thị trường các nước khác trong khu vực.
Trong 10 năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Ma-rốc phát triển tích cực. Kim ngạch hai chiều tăng trưởng tốt dù chưa ổn định và không theo quy luật. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ma-rốc gồm có: gạo, hạt tiêu, dứa hộp, điện thoại và linh kiện, máy tính, cà phê, hải sản, gia vị nói chung, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép… Trong đó, mặt hàng cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thực phẩm chế biến và gia vị các loại vẫn tiếp tục chiếm ưu thế.
Chia sẻ về vấn đề xuất khẩu mặt hàng cà phê sang Ma-rốc, ông Phương cho biết, Ma-rốc có nhu cầu lớn đối với mặt hàng cà phê, thị trường này chủ yếu nhập khẩu cà phê chưa rang xay để chế biến phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Ma-rốc. Đây cũng là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Phương, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của hai nước mang tính bổ sung nên hàng hóa Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể tiếp cận tới tất cả các phân khúc thị trường Ma-rốc, từ bình dân đến trung, cao cấp. Hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả khá hợp lý và đáp ứng được ngay cả yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất như EU hay Hoa Kỳ, nên về chất lượng hoàn toàn có thể thâm nhập và cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác tại Ma-rốc.
Về cơ bản, nông lâm thủy sản vẫn là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Ma-rốc. Đặc biệt, nông sản, nông sản chế biến có đóng góp xấp xỉ 60% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Ma-rốc. Tiềm năng xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn rất lớn, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản nói chung và nông sản chế biến nói riêng của người dân Ma-rốc khá ổn định.
Trong khi đó, chất lượng hàng nông sản của Việt Nam được người tiêu dùng Ma-rốc và các nước trong khu vực đánh giá tích cực. Thời gian qua, hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nước khác, nhất là nông sản từ Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
Đối với các mặt hàng Việt Nam có ưu thế sản xuất như hạt điều chế biến có khả năng cạnh trạnh khá tốt. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào Việt Nam cũng chiếm ưu thế, chẳng hạn với các mặt hàng có nhiều nước cùng sản xuất như gạo, hạt tiêu, quế, hồi…
Tuy nhiên, xu thế bảo hộ các sản phẩm nông sản tại Ma-rốc khá cao do định hướng phát triển của bạn cũng tập trung vào đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng nông thủy sản nói riêng còn cao, cá biệt có những mặt hàng lên tới hơn 60%, bao gồm cả thuế và phí. Quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm khá chặt chẽ. Một số quy định về thông quan hàng hóa của bạn vẫn có xu hướng có lợi cho nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, vấn đề thanh toán nói chung vẫn còn những hạn chế với các phương thức thanh toán mang tính tập quán, có mức độ đảm bảo chưa cao và bị động cho nhà xuất khẩu nước ngoài. Đôi khi vẫn có trường hợp uy tín doanh nghiệp chưa cao, chậm thanh toán từ phía đối tác nhập khẩu… mặc dù chỉ là những trường hợp cá biệt do tiềm lực doanh nghiệp còn hạn chế và gặp đúng thời điểm thị trường biến động khó khăn.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc khuyến cáo, trong hợp tác kinh doanh để tăng khả năng tuân thủ cam kết và độ tin cậy, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc cao, tối thiểu 25% giá trị lô hàng. Không chuyển trước cho đối tác mua hàng bất kỳ khoản tiền nào theo đề nghị của họ với bất cứ lý do gì.
Đối với hợp đồng ký kết gửi qua thư điện tử và phụ lục cần đặc biệt lưu ý đến tính xác thực của chữ ký và con dấu, nhất là các hợp đồng qua trung gian.
Bên cạnh những khó khăn đã nêu, thị trường Ma-rốc cũng có nhiều thuận lợi, trong đó phải kể đến: sự quan tâm của các cấp, các ngành trong đó có Bộ Công Thương , Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Cục Xúc tiến Thương mại, cũng như Lãnh đạo Đại sứ quán tại Ma-rốc trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương, tăng cường xúc tiến xuất nhập khẩu vì lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai phía. Hơn nữa, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của hai nước mang tính bổ sung nên hàng hóa Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể tiếp cận tới tất cả các phân khúc thị trường Ma-rốc, từ bình dân đến trung, cao cấp.
Bên cạnh xuất khẩu, ông Phương cho biết, các lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại Ma-rốc nhờ vào thế mạnh sẵn có và phù hợp với chính sách thu hút của phía bạn như: hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, dịch vụ du lịch và lữ hành, đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, hợp tác sản xuất phân bón các loại, trao đổi thương mại các sản phẩm thực phẩm chế biến, hoa quả đóng hộp, tham gia kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ logistic tại các khu ngoại quan mà Ma-rốc đang thu hút nhà đầu tư, hợp tác kinh doanh khách sạn phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao tại Ma-rốc…
Phiên tư vấn về thị trường Ma-rốc đã nhận được sự quan tâm của đông đảo đại điện các doanh nghiệp (90 người đăng nhập) thuộc đa dạng lĩnh vực với nhiều câu câu hỏi liên quan tới các khía cạnh khác nhau nhằm hiểu rõ về thị trường Ma-rốc, những tiềm năng, hạn chế, biện pháp để nắm bắt khai thác tốt hơn thị trường này trong thời gian tới. Phiên tư vấn khép lại với hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn, sự cam kết chung tay tìm kiếm đối tác, cơ hội kinh doanh, xúc tiến thương mại và tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu vì lợi ích của các doanh nghiệp.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương