Ngày 19/10, Bộ Công Thương  phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu ( EU – MUTRAP) tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương tại Hà Nôi.

Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng; ban hành chính sách, pháp luật và tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính; đảm bảo các quy định thủ tục được thực thị thông nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước. 

Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, việc thực thi các thủ tục hành chính trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc trong thời gian qua. Trong đó, bà Lan có nhấn mạnh đến các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép an toàn thực phẩm. 

Theo bà Lan, Sở Công Thương Hà Nội hiện đang có khối lượng công việc quá lớn trong việc đào tạo, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Theo đó, Bà Lan kiến nghị nên có phương án chỉ định để một số đơn vị hay cơ sở đào tạo việc cấp giấy chứng nhận trên. Việc này nhằm giảm áp lực quá tải cho Sở. 

Cũng liên quan đến thực phẩm, bà Lan cho biết hiện nay việc cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị sơ chế đang gặp rắc rối và gây phức tạp cho chính doanh nghiệp. Bà Lan lấy vị dụ, khi siêu thị được cơ quan nông nghiệp cấp giấy chứng nhận 1 kg thịt lợn, nhưng khi siêu thị mang số thịt lợn trên về sơ chế thành từng phần nhỏ hơn lại mất rất nhiều thời gian. 

"Siêu thị phải chờ bác sĩ thú y tại khu vực đến đóng dấu chứng nhận từng lạng thịt sơ chế và mất thêm 500 đồng/tem, Chi phí này cuối cùng được tính vào giá thành sản phẩm, người mua phải chịu thiệt thòi. Thứ nữa là, doanh nghiệp không thể chủ động bán ngay sản phẩm mà phải chờ đợi đến khi bác sĩ thú y đến. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của siêu thị, doanh nghiệp", bà Lan chia sẻ.

Phản ánh thêm những bất cập trên địa bàn, bà Lan cũng đề cấp đến vướng trong việc cấp giấy chứng nhận lại cho các doanh nghiệp bán buôn rượu, thuốc lá, xăng dầu, hóa lỏng,…Theo đó, bà Lan kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho Sở và doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động hoạt động kinh doanh hàng hóa trong dịp Tết tới. 

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương Hải Dương kiến nghị quy định cụ thể về hồ sơ kinh doanh cho các cửa hàng xăng dầu trên sông. Hiện tại, Hải Dương cứ có 200 cửa hàng xăng dầu kinh doanh trên cạn, trong đó có tới 40 cửa hàng trên sông, tức chiếm số lượng bằng 1/5. Tuy nhiên, vị đại diện này cho biết, vì chưa có quy định cụ thể đối với loại cửa hàng xăng dầu kinh doanh trên sông khiến cho Sở khó quản lý và doanh nghiệp cũng không biết đường để thực hiện. Do đó, hiện tại, Hải Dương vẫn còn lúng túng và tạm thời áp dụng các quy định kinh doanh đối với các cửa hàng xăng dầu trên sông giống cửa hàng kinh doanh trên cạn.

Liên quan đến hồ sơ kinh doanh xăng dầu, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến trong tháng 11 hoặc tháng 12/2015 sẽ ban hành quy định điều chỉnh đối tượng cửa hàng xăng dầu trên mặt nước, sông, kênh rạch, trên biển.

Ngoài ra, đại diện các địa phương và doanh nghiệp tham dự tại hội nghị cũng đề cập đến khó khăn trong việc thực thi thủ tục hàng chính tại lĩnh vực kinh doanh phân bón, khoáng sản,... và kiến nghị hoàn thiện thủ tục hành chính trong thời gian tới. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương khái quát tình hình triển khai kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương thời gian qua. Với tinh thần chung tay cải cách, Vụ Pháp chế cho biết sẽ thu thập ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức. Sau đó Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát lại và bàn biện pháp tháo gỡ trình lãnh đạo các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. 

 

Huyền Thương