Sắp có hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng
Các hoạt động kinh tế bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu vốn với doanh nghiệp vì vậy cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Cộng đồng doanh nghiệp đang sốt ruột mong đợi gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù 2%) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cho hay, chưa thể triển khai bởi vẫn đợi hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đang được cơ quan này khẩn trương hoàn thiện, sẽ chính thức trình lãnh đạo NHNN để gửi các bộ, ngành cho ý kiến trong tuần này.
Trước đó, lãnh đạo NHNN cho hay, NHNN sẽ trình Chính phủ thủ tục rút gọn để Nghị định có hiệu lực ngay sau khi ban hành (thay vì tối thiểu phải sau 45 ngày ký văn bản mới có hiệu lực như quy định thông thường).
Các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu vốn với doanh nghiệp cũng ngày càng trở nên cấp thiết.
Các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu vốn với doanh nghiệp cũng ngày càng trở nên cấp thiết.
Được biết, thời gian qua, NHNN và Bộ Tài chính đã có quá trình dài trao đổi để thống nhất về đối tượng vay, cách thức triển khai hình thức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp… Trong buổi gặp gỡ đầu năm giữa Thủ tướng Chính phủ với ngành ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Hiện nay, vấn đề mà doanh nghiệp mong chờ nhất ở nghị định hướng dẫn là điều kiện vay thế nào, đối tượng vay ra sao. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng không đủ điều kiện được cấp bù lãi suất bởi ngành ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.
Trong khi đó, với ngân hàng thương mại, cơ chế cấp bù lãi suất như thế nào lại là vấn đề được quan tâm nhất. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, Bộ Tài chính nên công bố danh sách đối tượng cụ thể hoặc phải quy định đối tượng vay rất cụ thể, nếu không ngân hàng sẽ không dám giải ngân.
Tán thành đề xuất trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Còn nếu giao các ngân hàng thương mại quyền tự quyết, nhiều ngân hàng sẽ không dám cho vay do sợ trách nhiệm và cũng khó tránh khỏi nguy cơ “sân trước - sân sau”.
Ngân hàng cũng lo lãi suất tăng
Trong khi gói cấp bù lãi suất chưa được triển khai, thì các doanh nghiệp lại đang đối mặt với nguy cơ lãi suất tăng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trừ nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, đã có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm áp dụng với từng kỳ hạn khác nhau. Cầu tín dụng tăng mạnh trở lại theo đà phục hồi kinh tế, thanh khoản hệ thống đã bớt dồi dào, áp lực lạm phát gia tăng… là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Giới chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán cho rằng, năm qua, các ngân hàng đã hưởng lợi từ vốn huy động giảm mạnh trong khi lãi suất cho vay giảm không đáng kể, nhờ đó ngân hàng cải thiện biên lãi thuần (NIM). Vì vậy, thời gian tới, nếu lãi suất huy động tăng, NIM ngân hàng có thể sẽ giảm nhẹ, song vẫn ở mức hấp dẫn. Chưa kể, ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn thu, nên giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay không ảnh hưởng quá lớn đến lợi nhuận.
Việc ngân hàng tăng lãi suất đã được dự đoán từ năm ngoái. Lạm phát toàn cầu tăng phi mã khiến làn sóng tăng lãi suất lan rộng. Năm 2021, đã có gần 120 lượt tăng lãi suất. Xu hướng này đang tiếp diễn trong năm 2022 khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa tăng lãi suất lên mức 0,5%/năm vào đầu tháng 2/2022 và dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới. Nhiều quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng nhận định, Fed sẽ tăng lãi suất sớm ngay trong tháng 3/2022.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát không quá lớn, nhưng nguy cơ nhập khẩu lạm phát cùng với việc dòng tiền đổ xô chảy vào chứng khoán, bất động sản, trong khi cầu tín dụng bắt đầu tăng trở lại khiến thanh khoản hệ thống bớt dồi dào, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại.
Bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc Khối Tài chính, Ngân hàng VPBank nhận định, theo báo cáo đánh giá vĩ mô chung, hầu hết các nền kinh tế đều có xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ để đối phó với lạm phát gia tăng. Lãi suất Libor và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đều tăng.
“Kinh tế Việt Nam đang quay về trạng thái vận hành bình thường sau giai đoạn chống dịch. Hơn nữa, từ cuối năm 2021, dòng tiền dân cư có sự dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, bất động sản khiến huy động vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng trở nên khó khăn và cạnh tranh hơn. Do đó, mặt bằng lãi suất năm 2022 dự kiến tăng, không còn thấp như năm 2021 nữa”, bà An nói.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, việc giảm tiếp lãi suất cho vay theo yêu cầu của Chính phủ là thách thức không nhỏ của ngành ngân hàng. Ông Đào Minh Tú cho hay, năm 2022, NHNN sẽ điều hành lãi suất theo hướng ổn định, khuyến khích ngân hàng thương mại giảm chi phí để có điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, phía NHNN cũng cho rằng, với áp lực lạm phát và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã là một thách thức lớn.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 sẽ không còn rẻ nữa. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngân hàng vẫn phải đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên hàng đầu. Hơn nữa, dưới sức ép của Chính phủ, chắc chắn ngân hàng không dám tăng mạnh lãi suất cho vay.