Cấp hộ chiếu gắn chíp cho công dân Việt Nam
Từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Hộ chiếu gắn chip điện tử là có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin, tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân, bị làm giả.
Theo Bộ Công an, chip điện tử gắn trên hộ chiếu mẫu mới chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp hộ chiếu.
Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song song. Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên
Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/3, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học đối với chấp hành viên.
Đối với chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp, ngoài tiêu chuẩn theo quy định trên phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước
Nghị định 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Trong đó, Nghị định nêu rõ quy định về điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước (Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển; giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất) phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1- Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
2- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
3- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của Luật Tài nguyên nước, điều kiện quy định tại (1) và (2) nêu trên và các điều kiện sau đây:
Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
Nghị định nêu rõ, trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng nước mà chưa có giấy phép tài nguyên nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước khi đáp ứng các điều kiện cấp phép theo quy định trên.
Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò, khai thác, sử dụng nước không có giấy phép tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Từ ngày 1/3/2022 tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động
Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau:
- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng);
- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng);
- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng);
- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;
- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội
Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.
Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính
Thông tư số 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3/2023.
Theo Thông tư, cơ cấu Hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.
Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.
Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm
Từ 15/3, 7 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương
Thông tư 20/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.
Thông tư nêu rõ, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực KH&CN tại địa phương bao gồm:
1- Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ:
+ Tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
+ Tiếp nhận, xử lý hồ sơ thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
+ Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2- Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ:
+ Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư theo quy định pháp luật;
+ Thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ.
3- Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân:
+ Quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;
+ Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X- quang chẩn đoán trong y tế.
4- Hoạt động sở hữu trí tuệ
Thẩm định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật.
5- Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng:
+ Thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo quy định;
+ Thẩm định cấp giấy xác nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân; Thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia của tổ chức, doanh nghiệp bước Hội đồng sơ tuyển.
6- Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ.
7- Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.
Thông tư nêu rõ thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc nêu trên là từ đủ 02 năm đến 05 năm.
Danh mục, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
Thông tư 01/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 17/3/2023.
Thông tư nêu rõ danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương bao gồm lĩnh vực: Báo chí; Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Xuất bản, In và Phát hành; Bưu chính; Công nghệ thông tin.
Thông tư quy định, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 năm (36 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng) không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định.
10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý ngành Ngân hàng
Thông tư 21/2022/TT-NHNN hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2023.
Thông tư nêu rõ 10 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng quản lý;
- Thành viên Hội đồng quản lý;
- Tổng giám đốc;
- Phó Tổng giám đốc;
- Trưởng phòng và tương đương;
- Phó Trưởng phòng và tương đương;
- Giám đốc chi nhánh;
- Phó giám đốc chi nhánh;
- Trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh;
- Phó trưởng phòng và tương đương trực thuộc Chi nhánh.
Người lao động được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực 1/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).
Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội
Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.
Thông tư quy định việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng hoặc sở hữu tư nhân thì người đại diện hoặc chủ sở hữu cơ sở tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.