Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Đề án 977
Với mục tiêu đề ra, Đề án xác định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn (gồm 02 nhiệm vụ, giải pháp chung và 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gắn với từng nhóm chủ thể cụ thể) cần được triển khai thực hiện đến năm 2030. Trước hết là thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Đặc biệt là thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp. Việc hoàn thiện chính sách, thể chế được thực hiện theo hướng Nhà nước tạo dựng các điều kiện cần thiết để người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật được thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ. Qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả cho việc triển khai các hoạt động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cũng như nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách, thể chế, còn có nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung về đầu tư, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân của các cơ quan, tổ chức. Bao gồm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị phục vụ các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các chương trình, đề án được giao; bố trí kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù để phát huy vai trò hỗ trợ, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; phát huy trách nhiệm xã hội, sự chủ động của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bố trí nguồn lực, đầu tư cho các chương trình, đề án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin pháp luật cho người dân được đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi.
Với từng nhóm chủ thể cụ thể, có 18 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Đối với người dân: Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật, có 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai, bao gồm tăng cường công tác thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật, sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân, xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức tiếp cận pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thuộc phạm vi quản lý; cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp; củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Đối với đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: Xác định đây là những nhóm còn hạn chế về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, Đề án đề ra 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng; nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tập trung nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Rà soát, bảo đảm điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân các thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch các nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; trao đổi, đối thoại; thực hiện dân chủ ở cơ sở; đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, trọng tâm là xây dựng, triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ, chú trọng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật người dân tộc thiểu số, người có uy tín tại cộng đồng. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, tăng cường hiệu quả cung cấp thông tin theo yêu cầu. Xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật chủ trì ban hành. Xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở...
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghệp, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp: Đề án đã tạo ra cơ chế có ý nghĩa quan trọng nhằm huy động sự vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức này trong việc hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân. Thể hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã đề ra trong Chỉ thị số 32-CT/TW và Kết luận số 80-KL/TW, Đề án xác định 04 nhóm nhiệm vụ và giải pháp như mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật và tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; tăng cường vận động người dân và thành viên tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và bố trí kinh phí cho các tổ chức này để phát huy vai trò hỗ trợ, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Để triển khai thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm, nhiệm vụ hoặc đề nghị sự tham gia thực hiện cho các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp được giao chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả của Đề án trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp căn cứ nhiệm vụ và giải pháp tại Đề án để tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng của mình.